Viết là một kĩ năng cần rèn dũa thường xuyên, và luyện viết bằng ngoại ngữ lại càng đòi hỏi nhiều yếu tố phải hoàn thiện. Sau đây là một vài lời khuyên giúp bạn dễ dàng hơn trong giai đoạn bắt đầu luyện tập:
1/ Lưu trữ tất cả bài viết của bạn vào một nơi:
Hãy lưu trữ đầy đủ tất cả bài viết của bạn vào một nơi và sắp xếp chúng theo trình tự thời gian. Bằng cách này, bạn có thể nhìn thấy sự tiến bộ dần dần của mình và đó cũng là nguồn tham khảo mỗi khi bạn cần viết về một đề tài có liên quan.
2/ Viết tiếng Anh mỗi ngày:
Cũng giống như việc luyện tập các kĩ năng khác, kĩ năng viết không đòi hỏi bạn phải trau dồi với cường độ cao, mà yêu cầu sự thường xuyên. Đây không phải là kĩ năng mà bạn có thể dốc sức trong một tuần, một tháng rồi trông đợi sự tiến bộ vượt bậc. Phải có thời gian đủ lâu để não bộ quen dần với cách sắp xếp từ ngữ, vận dụng văn phạm…Ngoài ra, để viết tốt, bạn phải bỏ thời gian rất nhiều để đọc và ghi nhớ những từ vựng mới, ý tưởng, cách hành văn hay của người khác, điều này không thể vội vã trong một sớm một chiều. Quan trọng nhất, kĩ năng viết đòi hỏi bạn phải có tâm trạng thư thái mới cho ra bài viết chất lượng, vì vậy nếu học dồn cường độ cao trong thời gian ngắn, hiệu quả của bạn sẽ giảm đi rất nhiều.
3/ Chọn một đề tài và…VIẾT!
Một trong những khó khăn mà người mới luyện viết hay mắc phải là việc chọn đề tài. Điều này xuất phát từ việc thiếu kiến thức tổng quát. Để viết hay, ngoài kĩ năng hành văn, chọn lọc ngôn từ, bạn phải có một kiến thức rộng về nhiều lĩnh vực khác nhau, vì suy cho cùng nội dung vẫn là cốt lõi của bài viết. Mỗi ngày bạn hãy chọn một đề tài bất kì để viết. Bạn có thể tìm hiểu thông tin về đề tài trên internet, sau đó tổng hợp lại để cho ra outline (dàn bài) là có thể viết được rồi. Cách này ngoài việc giúp bạn có được thông tin cần thiết, còn cho bạn cơ hội tham khảo và học hỏi thêm từ cách hành văn của người khác. Ban đầu bạn sẽ hơi lóng ngóng với các đề tài lạ, nhưng sau một thời gian, khi vốn kiến thức đã đủ rộng, bạn có thể tự tin chắp bút về bất cứ lĩnh vực gì.
4/ Viết nhiều hơn một bản nháp:
Thông thường ai luyện viết cũng đều soạn một bản nháp trước khi hoàn chỉnh bài. Tuy nhiên, viết từ hai đến ba bản nháp cho một bài thì không nhiều người làm. Đó chính là điểm khác biệt! Công đoạn chuyển từ một bản nháp sang bài viết thực sự có thể giúp bạn gò chỉnh được nhiều lỗi sai trong văn phạm, cách dùng từ, nhưng đó vẫn chưa phải kết quả tốt nhất. Hãy thử nhìn lại những bài viết trước kia của bạn, dám chắc sẽ có không ít chỗ bạn cho rằng nên viết theo cách khác sẽ hay hơn. Vì vậy, lần tới, thay vì chỉ viết nháp một lần, bạn hãy viết đi viết lại bài viết đó cho tới khi nào cảm thấy không còn gì để chỉnh sửa nữa. Thói quen này có thể cực cho bạn trong thời gian đầu, nhưng nó sẽ hình thành cho bạn những phản xạ có ích mỗi khi viết bài. Bạn có thể phát hiện ra những lỗi sai nhỏ nhất, cách hành văn không suông, lỗi lặp từ… ngay lần viết đầu tiên.
5/ Đưa bài viết cho người khác tham khảo:
Bài viết là đứa con tinh thần của bạn, vì vậy nếu bạn không phải là người tự ti về kĩ năng viết của mình, hẳn bạn sẽ thấy bài viết của bạn rất hay và khó tìm ra chỗ nào để chê… Tuy nhiên sự thực không phải lúc nào cũng thế. Để có những nhận xét khách quan về bài viết của mình, bạn phải cho người khác đọc nó. Có những lỗi sai căn bản mà bạn có thể tự phát hiện như lỗi văn phạm, từ vựng, sai chính tả. Mặt khác, có những điều bất ổn trong bài viết mà tự thân bạn khó phát hiện. Ví dụ như vấn đề văn phong, có thể bạn quen với cách viết dài, giải thích chi tiết, nhưng đề tài bạn đang đề cập lại thiên về ngắn gọn, súc tính, nhiều dẫn chứng, sau khi hoàn thành bạn có thể hài lòng với tác phẩm của mình nhưng người đọc lại thấy lạc lõng, khó nắm bất vấn đề. Vì thế một bài viết, bạn nên đưa cho vài người quen biết xem và đánh giá để rút kinh nghiệm, điều chỉnh kịp thời trước khi những lỗi hành văn trở thành thói quen của bạn.