'CON' và 'CHÁU'

Theo hai thí dụ mà tôi đã trình bày với bạn đọc trong bài trước về sự phát triển từ ngắn đến dài và từ dễ đến khó của một câu Anh ngữ, chúng ta có thể đặt ra trò chơi lý thú để vừa học vừa chơi là trò “ sinh con đẻ cái”. Thí dụ hai người cùng chơi trò này thì người thứ nhất viết ra một câu thật ngắn thuộc

Theo hai thí dụ mà tôi đã trình bày với bạn đọc trong bài trước về sự phát triển từ ngắn đến dài và từ dễ đến khó của một câu Anh ngữ, chúng ta có thể đặt ra trò chơi lý thú để vừa học vừa chơi là trò “ sinh con đẻ cái”.

Thí dụ hai người cùng chơi trò này thì người thứ nhất viết ra một câu thật ngắn thuộc một trong ba trường hợp predicate mà các bạn đã biết. Người thứ hai thêm vào một chi tiết: hoặc là một tính từ, nhóm tiếng tính từ hay mệnh đề tính từ để miêu tả cho cái danh từ subject hoặc là một trạng từ, nhóm tiếng trạng từ hay mệnh đề trạng từ để miêu tả cho cái động từ ở phần predicate hoặc là một tính từ, nhóm tiếng tính từ hay mệnh đề tính từ để miêu tả cho cái danh từ object nếu câu đặt ra thuộc trường hợp có động từ chuyển tiếp có object theo sau v.v…

Sau khi người thứ hai thêm vào một chi tiết như vậy, tới phiên người thứ nhất cũng nghĩ cách thêm vào một chi tiết khác để cho câu dài thêm ra. Và cứ như thế mà luân phiên thi nhau thêm chi tiết vào cho tới khi nào một người chịu thua thì thôi. Cố nhiên là kết quả phải là một câu dài có nghĩa lý hẳn hoi chứ không phải một câu tuy có cơ cấu mạch lạc nhưng chẳng có ý nghĩa gì cả.

Nhưng tại sao tôi lại gọi trò chơi này là trò “sinh con đẻ cái”? Đó là vì khi bạn thêm chi tiết vào câu tức là bạn cho chữ ở trong câu đó “đẻ con” vậy: danh từ đẻ ra tính từ, và động từ thì đẻ ra trạng từ. Nếu cái tính từ “con” hay trạng từ “con” đó là một mệnh đề chẳng hạn thì cái mệnh đề ấy tất nhiên phải có đủ subject và predicate của riêng nó, nghĩa là những chữ trong mệnh đề ấy lại có thể đẻ ra một lớp nữa: nói một cách khác, danh từ “con” sẽ đẻ ra tính từ “cháu”, và động từ “con” sẽ đẻ ra trạng từ “cháu” vậy. Cứ như thế mà sinh sôi nẩy nở ra mãi, con đẻ ra cháu, cháu đẻ ra chắt, và rất có thể là tới chút chít nữa cũng vẫn được.

Nhưng nói như vậy không có nghĩa là tôi khuyến khích các bạn nên viết những câu văn thật dài để chứng tỏ cái khả năng sinh sôi nẩy nở của mình. Ngược lại chúng ta nên “hạn chế sinh đẻ” và luôn luôn chỉ nên viết những câu ngắn và sáng sủa, hơn là những câu dài mà rườm rà tối nghĩa. Chúng ta nên chia điều mà chúng ta muốn nói ra làm hai hay ba câu ngắn, hơn là gói ghém cả vào một câu dài. Trò “sinh con đẻ cái” mà tôi đề nghị trên đây chỉ là một trò chơi để thử xem mình có nắm vững đường lối đặt câu hay không. Nếu lúc nào mình cũng thích viết những câu dài thì e rằng sẽ có lúc con cái đẻ ra bừa bãi, không sao tránh khỏi sự luộm thuộm bê bối trong nhà.

Tóm lại, căn cứ vào tất cả những điều tôi đã trình bày, chúng ta đã có thể có một ý niệm bao quát về cơ cấu của một câu Anh ngữ gồm có những điểm sau đây mà tôi muốn cùng bạn đọc ôn lại trước khi qua vấn đề khác:

1/ Từ (word), nhóm từ (phrase) và mệnh đề (clause) là những đơn vị để làm thành câu.

2/ Mỗi câu phải có 2 phần và chỉ có 2 phần mà thôi. Đó là subject và predicate. Subject chỉ cái mà ta nói đến  và predicate chỉ điều mà ta muốn nói về cái subject.

3/ Trong phần subject từ chính là một danh từ hoặc đại danh từ đứng làm chủ cho động từ bên phần predicate. Danh từ này có thể được miêu tả bằng một hoặc nhiều tính từ , nhóm tính từ và mệnh đề tính từ.

4/ Trong phần predicate, từ chính là một động từ. Động từ này có thể được miêu tả  bằng một hay nhiều trạng từ, nhóm trạng từ hoặc mệnh đề trạng từ.

5/ Nếu động từ đó là một động từ chuyển tiếp thì nó có túc từ (object) theo sau. Object phải là một danh từ và nó có thể được miêu tả bằng một hay nhiều tính từ, hoặc nhóm tính từ và mệnh đề tính từ.

6/ Nếu động từ là một động từ không chuyển tiếp và đủ nghĩa thì nó đứng một mình nhưng cũng có thể miêu tả được bằng một hay nhiều trạng từ , nhóm trạng từ và mệnh đề trạng từ.

7/ Nếu là động từ không chuyển tiếp nhưng chưa đủ nghĩa (intransitive verb of incomplete predicate) thì nó phải có một complement đi theo sau. Cái complement này có thể là một danh từ hay một tính từ. Nếu là danh từ thì nó cũng có thể được miêu tả bằng một hay nhiều tính từ, nhóm tính từ và mệnh đề tính từ.

8/ Mỗi mệnh đề đều có subject và predicate riêng của nó có nghĩa là danh từ ở trong đó cũng đẻ ra tính từ và động từ đẻ ra trạng từ của một “thế hệ” thứ ba trong “quá trình phát triển” của câu văn.

Để tổng kết những điều trên đây, xin các bạn hãy nhìn vào cái sơ đồ dưới đây:

 

 

Có thể nói cái sơ đồ trên đây là nền tảng của câu Anh ngữ, và một câu dù dài và phức tạp đến đâu cũng vẫn được xây dựng trên cái nền tảng này. Tôi xin nhắc lại một lần nữa là các bạn phải quan niệm mỗi đơn vị trong sơ đồ trên đây đều có thể là một từ (word), một nhóm từ (phrase) hay một mệnh đề (clause).

Ngoài ra tưởng cũng nên nhắc rằng những đơn vị danh từ, động từ, tính từ và trạng từ trong cái cơ cấu trên đây phải được gắn liền với nhau thì câu văn mới đứng vững được, cũng như những viên gạch phải được gắn liền với nhau bằng hồ và xi măng thì mới xây thành một cái nhà. Công việc “gắn liền” cho đơn vị trong câu là nhiệm vụ của những liên từ (conjuction), hoặc đại danh từ liên quan (relative pronoun).

Thí dụ như trong câu nói về cái cảnh “một người mở cái cửa” mà chúng ta đã nghiên cứu trước đây ta thấy hai nhóm tiếng danh từ “wearing a grey hat and black trousers” và “carrying an umbrella in his hand” được nối liền với nhau bằng liên từ “and”.

Rất may là liên từ chỉ có thể có nhóm từ thôi chứ không có mệnh đề. Nếu liên từ mà cũng có mệnh đề liên từ thì loạn to.

Nay các bạn đã có thể áp dụng cái sơ đồ trên đây để thử phân tách bất cứ một câu Anh ngữ nào ra làm hai phần subject và predicate, và đồng thời phân tách mỗi lần ra từng đơn vị của nó. Trở lại với nhân vật tiểu thuyết “mở cái cửa” của chúng ta, câu thí dụ:

At ten o’clock  in the morning, a fat man wearing a grey hat and black trousers, and carrying an umbrella is his hand cautiously and without making a sound, opened the big glass-panelled door which led, by way of a short passage, to the Director’s office.

Có thể được phân tách bằng cách vẽ ra một sơ đồ theo mẫu trên đây rồi biên những đơn vị vào đúng vị trí của nó như sau:

 

 

Trên đây, chúng ta đã thử phân tách một câu Anh ngữ ra hai phần subject và predicate của nó cùng những đơn vị xây dựng của mỗi phần. Lối phân tách (analysis) này tương đối mới mẻ hơn, và cũng rõ ràng và hay ho hơn lối phân tách thành mệnh đề (analysis into clause) mà học sinh thường phải học tại nhà trường và trong hầu hết các sách dạy văn phạm Anh ngữ.

Phân tách thành mệnh đề trong Anh ngữ, giống như analyse logique trong Pháp ngữ, có thể nói là đã “xưa” rồi, vì lối phân tách này làm cho người ta có cảm tưởng rằng đơn vị căn bản của câu là mệnh đề (clause) trong khi những nhóm từ (phrase) cũng là những đơn vị đáng kể mà nhiều khi lại còn quan trọng hơn cả mệnh đề. Vì thế nhiều tác giả sách văn phạm ngày nay chủ trương bỏ lối phân tách thành mệnh đề và áp dụng lối phân tách thành đơn vị (analysis into units) như tôi đã trình bày.

Trong cuốn “Good English – How To Write It” tác giả G.H. Vallins viết rằng lối phân tách thành mệnh đề mà vẫn áp dụng tại các trường học và thường làm điên đầu học sinh trong các kỳ thi không những “vô bổ” mà còn có hại nữa vì nó không làm sáng tỏ cơ cấu và mạch lạc của câu mà lại làm cho nó tối thêm. Vallins cũng đề nghị lối phân tách thành đơn vị và nhận thấy rằng những đơn vị nhóm từ (phrase) còn quan trọng hơn cả những mệnh đề.

Trở lại câu thí dụ về “một người mở cái cửa” chúng ta thấy rằng nếu chỉ phân tách thành mệnh đề thì cái phần “vào hồi mười giờ sáng” sẽ nằm trong mệnh đề chính vì nó là trạng từ của động từ “mở” trong khi nếu phân tách thành đơn vị thì ta có thể đặt nó đứng riêng ra với tư cách là một nhóm trạng từ miêu tả cho động từ “mở”.

Nếu phân tách mệnh đề thì danh từ “một người” sẽ đi liền với động từ “mở” và túc từ “cái cửa” trong mệnh đề chính còn nếu phân tách thành đơn vị ta lại thấy danh từ “một người” đứng riêng bên phần subject với những tính từ mà nó đẻ ra.

Lối phân tách thành đơn vị vì thế rất có lợi cho chúng ta. Nó làm cho chúng ta không những thông suốt được câu văn từ rễ đến ngọn mà còn giúp chúng ta nắm vững được cú pháp Anh ngữ để nói và viết cho đúng mẹo. Phân tách một câu văn vì thế luôn luôn là một công việc lý thú cho những ai muốn học nói và viết Anh ngữ thông thạo chứ không phải chỉ là công việc của các thí sinh trong các kỳ thi.

Một nhà ngữ học Anh quốc đã so sánh việc phân tách một câu văn như là công việc điều tra một vụ án mạng. Một câu văn dài trong đó từ, nhóm từ và mệnh đề chồng chất lên nhau, sinh con đẻ cái tùm lum, thoạt nhìn vào chẳng khác gì một vụ án mạng đầy bí mật. Cái danh từ subject chính là người bị ám sát, cái động từ bên phần predicate cùng những từ mà nó dẫn theo là lý do của án mạng. Tìm được những yếu tố này rồi, chúng ta chỉ còn việc tiến hành cuộc điều tra để tìm ra thủ phạm tức là ý nghĩa của toàn câu.

Nói tóm lại, nếu muốn phân tách một câu, chúng ta nên áp dụng lối phân tách thành đơn vị thay vì lối phân tách thành mệnh đề. Nắm vững được lối phân tách thành đơn vị là một lợi khí sắc bén để chúng ta “làm chủ” được cái “tình hình Anh ngữ” của mình.

Nhưng cố nhiên sự phân tách chỉ là một phương tiện để đi tới một cứu cánh. Chúng ta học phân tách không phải để bất cứ hễ đọc một câu Anh ngữ nào là bèn tìm cách mổ xẻ nó ra, và ngược lại không phải để mỗi khi nói và viết thì lại xây dựng câu của mình từng giai đoạn một theo lối “sinh con đẻ cái” mà tôi đã trình bày.

Khi nói cũng như khi viết là lúc “tiềm thức” chúng ta làm việc. Chúng ta nói hoặc viết một hơi mà không hề nghĩ đâu là chủ từ đâu là diễn từ, đâu là nhóm tính từ đâu là mệnh đề trạng từ .v.v… Nhưng cái tiềm thức đó chỉ có thể hoạt động khi nào chúng ta đã có đủ ý thức về cú pháp Anh ngữ. Nói một cách khác, muốn nói và viết Anh ngữ như cái máy, thì chúng ta phải biết cái “then máy” của Anh ngữ trước đã.