Bạn tin mình có thể ghi nhớ từ vựng chỉ sau một lần đọc không?
Nếu bạn đang gặp rắc rối với việc học ngoại ngữ, có lẽ bạn cho rằng tôi nói nhảm?
Nhưng khoan, đừng vội phản bác! Hãy đọc qua quyển sách “Làm chủ trí nhớ của bạn” do Tony Buzan viết, bạn sẽ hiểu những gì tôi sắp chia sẻ sau đây lấy căn cứ, nền tảng từ đâu!
Theo Tony Buzan, tiềm năng não bộ của con người rất to lớn, một trong những điểm mạnh con người chưa khai phá hết chính là trí nhớ của mình. Chúng ta hay quên vì chúng ta sử dụng trí nhớ không đúng cách, chứ chẳng phải vì bẩm sinh đã mắc bệnh đãng trí. Nếu tìm hiểu và thực hành đúng phương pháp, bạn có thể cải thiện khả năng ghi nhớ của mình trong rất nhiều lĩnh vực, nhất là học ngoại ngữ. Chỉ cần một lần áp dụng phương pháp ghi nhớ hữu hiệu, bạn có thể thuộc ngay từ vựng mới mà không cần ôn đi ôn lại nhiều lần, hay ghi đầy trang vở như chép phạt giống cách chúng ta vẫn thường làm lúc còn nhỏ.
Hãy hình dung đầu óc của bạn như một chiếc giá treo khổng lồ, mỗi thông tin ghi nhớ là một món đồ được máng lên chiếc giá treo đó. Những khi cần lục lại thông tin cũ, chúng ta sẽ tìm những món đồ trên giá treo qua một cuốn sổ ghi chú. Cuốn sổ đó chính là sự liên tưởng, ấn tượng. Sự liên tưởng và ấn tượng càng rõ, bạn càng dễ tìm lại thông tin trong đầu. Ví dụ nếu bây giờ hỏi bạn đã ăn gì vào ngày này tuần trước, chưa chắc bạn đã nhớ, nhưng nếu hỏi bạn đã đãi bạn bè món gì trong ngày sinh nhật gần đây nhất của mình, bạn có thể tả vanh vách từng thứ một mình đã chuẩn bị, đúng không nào? Vì sinh nhật là ngày đặc biệt đối với bạn, bạn sẽ ghi nhớ những chi tiết trong ngày đó lâu hơn và rõ ràng hơn những hôm khác. Trí nhớ có quy tắc của riêng nó, bạn phải hiểu những gì não bộ ưu tiên lưu trữ để áp dụng vào phương pháp học của mình. Một số loại thông tin não bộ có xu hướng ghi nhớ kỹ lưỡng là:
- Xảy ra trong tình huống đặc biệt: những sự việc xảy ra trong ngày sinh nhật, ngày đám cưới, ngày chào đời của con bạn… hay những dịp quan trọng sẽ có xu hướng được não bộ ghi nhớ kĩ hơn.
- Khác thường: hãy tưởng tượng sáng sớm ra đường bạn gặp một người đóng khố vẽ mặt như thổ dân châu Mỹ, chắc chắn bạn sẽ nhớ khoảnh khắc đó đến tận 10 năm sau.
- Niềm yêu thích: những gì bạn yêu thích, đam mê sẽ được ghi nhớ một cách tự nhiên vào não bộ mà chính bạn cũng không biết.
- Cảm xúc mạnh: những gì tác động mạnh lên cảm xúc của bạn như giận dữ, hào hứng… sẽ để lại ấn tượng sâu nặng trong trí óc. Tuy nhiên, đừng bao giờ sử dụng cảm xúc tiêu cực như sợ hãi để tăng khả năng ghi nhớ, đó là loại cảm xúc mạnh nhất và có tác hại nhất với tâm lý của bạn.
- Sử dụng nhiều giác quan: một thông tin cần vận dụng nhiều giác quan để cảm nhận sẽ được nhớ dai hơn kiểu “đọc hiểu” truyền thống, đây cũng là nguyên tắc của sơ đồ tư duy do Tony Buzan sáng tạo mà bạn sẽ được tìm hiểu trong phần sau.
- Sự việc có liên quan với nhau: những ký ức có liên hệ qua lại sẽ được ghi nhớ thành cụm một cách nhanh chóng, bạn sẽ học được cách hệ thống hóa bài học của mình để tăng hiệu quả học trong phần sau.
Trên kia chỉ là một vài nguyên tắc cơ bản của trí nhớ, trong các phần sau của loạt bài, bạn sẽ được hướng dẫn cách vận dụng những nguyên tắc trên để tối ưu hóa hiệu quả học tiếng Anh của bạn, thậm chí có thể ghi nhớ từ vựng CHỈ SAU MỘT LẦN ĐỌC!
Hải Phụng - Webhoctienganh
Xem thêm: