Ở phần trước, chúng ta đã tìm hiểu qua phương pháp liên tưởng để học từ vựng, đây là cách đơn giản và dễ áp dụng. Tuy nhiên, hạn chế của phương pháp này là tất cả đều diễn ra trong đầu bạn, nên chỉ có thể sử dụng ghi nhớ từng từ tiếng Anh đơn giản. Nếu nhu cầu học phức tạp hơn, chúng ta cần một phương pháp ghi chú hiệu quả!
Sơ đồ tư duy đáp ứng được yêu cầu đó!
Huyên thuyên mãi từ cái tiêu đề, thế rốt cuộc Sơ đồ tư duy là gì?
Sơ đồ tư duy là công trình nghiên cứu của Tony Buzan trong nhiều thập kỷ, cách ghi chú này vận dụng tất cả chức năng của não bộ vào một sơ đồ dạng nhánh cây nhiều màu sắc.
Cấu tạo não người được chia làm hai nửa chính đảm nhiệm từng chức năng riêng biệt:
Não trái:
- Logic
- Tính toán
- Sự kiện
- Ngôn ngữ
- Trình tự
- Phân tích
Não phải:
- Nhịp điệu
- Sáng tạo
- Toàn thể
- Tưởng tượng
- Màu sắc
- Cảm xúc
Nhìn vào bảng liệt kê trên, bạn có thể nhận ra cách ghi chú truyền thống chỉ khai thác một phần rất nhỏ chức năng của não bộ như: ngôn ngữ, trình tự. So đồ tư duy khắc phục nhược điểm này bằng cách thêm vào nội dung ghi chú nhiều hình ảnh, màu sắc và sắp xếp chúng lại theo từng phân lớp càng lúc càng mở rộng.
Thực tế nhiều người trong chúng ta đã từng sử dụng Sơ đồ tư duy dạng đơn giản với tên gọi là biểu đồ xương cá. Tuy nhiên để tối ưu hóa hiệu quả ghi chú, chúng ta cần bổ sung thêm nhiều nguyên tắc:
- Ảnh trung tâm nên lớn hơn các ảnh nhánh để tạo độ cân đối và hướng sự tập trung vào chủ đề chính. Điều này để khai thác chức năng nhận diện bố cục toàn thể của não bộ.
- Sử dụng hình ảnh bất cứ nơi nào có thể: não bộ có khả năng ghi chú hình ảnh tốt hơn ngôn từ.
- Dùng nhiều màu sắc: quan sát hình minh họa trên, bạn sẽ thấy sơ đồ tư duy được phối hợp rất nhiều màu, nhằm giúp não bộ phân vùng thông tin cũng như tăng tính sinh động cho hình ảnh.
Lưu ý: Sơ đồ tư duy là một công cụ ghi chú chứ không phải một tác phẩm nghệ thuật. Cái bạn cần là sự rõ ràng và sinh động, đừng quá tập trung vào tiểu tiết mà mất hàng giờ design một sơ đồ tư duy thật hoành tráng, điều đó sẽ làm bạn tốn nhiều thời gian còn hơn cả học theo kiểu truyền thống. Bạn phải vẽ thật nhanh những ý tưởng trong đầu xuống giấy và chỉ nên phác thảo, đừng vẽ chi tiết từng hình một.
Vậy là chúng ta đã hiểu những điểm chính của Sơ đồ tư duy, thế còn việc áp dụng chúng để học từ vựng Anh văn thì sao?
Rất đơn giản, hãy hệ thống chúng lại thành những nhóm từ liên quan. Ví dụ:
- Bạn có thể vẽ một sơ đồ tư duy với từ gốc nằm ở trung tâm và các biến thể kèm ví dụ ở nhánh. Từ “attract” có adj là attractive,”attracting”,”attracted”, adv là “attractively”, noun là “attraction”, “attractant”, “attracter”. Bạn sẽ lấy từ gốc “attract” làm trung tâm và phân nhánh sang các từ loại khác như adj, adv, noun…Một sơ đồ mini thế này sẽ giúp bạn liên kết tất cả các từ loại với nhau.
- Hoặc nếu bạn đang học về một chủ đề nào đó, bạn có thể lấy chủ đề đó làm trung tâm và vẽ một sơ đồ tư duy xoay quanh nó. Chẳng hạn như bạn vừa học một bài về chủ đề “Party”, trong Party sẽ có các chủ đề con như Dressing, Food, Friends, Small Talk. Bạn sẽ lấy Party làm trung tâm với ảnh nền to, rõ, còn các nhánh chính sẽ là các chủ đề con, từ chủ đề con bạn có thể triển khai ra nhiều từ vựng liên quan, rồi bạn có thể thêm vào các từ đồng nghĩa, phản nghĩa, phrasal verb, thành ngữ đi kèm…Việc lập một sơ đồ tư duy đồ sộ như thế có vẻ mất công nhưng ngay sau khi hoàn thành, bạn sẽ ghi nhớ được một kho từ vựng không nhỏ xoay quanh chủ đề, việc này vẫn tiết kiệm thời gian hơn hẳn học rồi ôn tới ôn lui nhiều lần. Nếu sơ đồ tư duy được vẽ đúng cách, bạn chỉ cần nhìn qua một lần là có thể ghi nhớ tất cả. Bạn cũng có thể dùng các công cụ hỗ trợ vẽ sơ đồ tư duy, tuy nhiên tôi khuyên bạn nên tự vẽ, vì như vậy bạn sẽ ghi nhớ nhanh chóng hơn.
Thế là bây giờ bạn đã có trong tay phương pháp liên tưởng và cách ghi chú hiệu quả theo sơ đồ tư duy! Tuy nhiên, việc học Anh văn vẫn có thể nhẹ nhàng hơn nếu chúng ta biết chiều theo sở thích của bản thân một tí. Ở phần cuối, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về cách học mà chơi, chơi mà học.
Hải Phụng - Webhoctienganh
Xem thêm: