Với những ai đang chuẩn bị sắm sửa cho mình một chiếc điện thoại hàng secondhand, một vài lưu ý nhỏ dưới đây sẽ giúp cho bạn chọn cho mình chiếc smartphone vừa ý nhất.
Sắp Tết, thời điểm hợp lý để tự thưởng cho mình một chiếc điện thoại sau thời gian tích cóp. Hơn nữa một smartphone có khả năng chụp ảnh tốt, tính kết nối cao sẽ khiến những ngày nghỉ Tết bên gia đình của bạn ý nghĩa hơn.
Thật trùng hợp, đây cũng là thời điểm “xả hàng” của các thương gia, giải quyết vấn đề tài chính, cũng như chuẩn bị cho lô hàng trong năm mới. Một số không nhỏ khác là những trường hợp người dùng cần bán máy để lên đời, bán máy để “lấy tiền về quê” như họ thường nói trên các trang rao vặt.
Chọn mua điện thoại cũ, đặc biệt trong thời gian này cũng cần có những lưu ý đặc biệt, bởi rất nhiều trong chúng ta sẽ có kỳ nghỉ Tết dài, cơ hội gặp lại người người bán rất khó, cũng như chẳng ai muốn gặp rắc rồi trong kỳ nghỉ Tết cũng như năm mới cả.
Một vài “mách nước” nho nhỏ dưới đây của chúng tôi hy vọng sẽ giúp bạn đọc có thể chọn cho mình một chiếc smartphone cũ nhưng tốt để "chơi" trong dịp Tết này.
Hãy mua ngay từ bây giờ
Mua càng sớm càng tốt, để có thể có thời gian test máy được lâu hơn. Trong tình huống xấu nhất, máy có vấn đề, 2 bên sẽ có thể giải quyết ngay trong năm cũ.
Tuy nhiên một phần lớn chúng ta lại phải đợi đến mãi những ngày cuối năm, “lương” mới về, trong trường hợp đó, hãy chọn cho mình những địa chỉ mua máy thật tin cậy như các cửa hàng lớn, uy tín, những máy cũ nhưng chính hãng hoặc máy có thời gian sử dụng chưa quá lâu.
Đưa ra nhiều lựa chọn
Ở thị trường máy cũ, một mức giá bạn đưa ra có thể dẫn đến khá nhiều lựa chọn. Nếu cứ chỉ tìm một đối tượng, đôi khi sẽ thấy công cuộc tìm kiếm chiếc máy ưng ý thật khó khăn.
Hãy lướt qua một vài trang rao vặt để nắm được mức giá, cũng như một vài sản phẩm phù hợp với túi tiền của mình rồi “nghiên cứu” chúng, có thể qua các bài đánh giá sản phẩm đó trên mạng.
Một lưu ý khác, nên chọn mua điện thoại cũ từ những thương hiệu lớn. Những thiết bị này thường có độ bền cao hơn, chưa kể họ đã cài sẵn những công cụ để kiểm tra thiết bị, giúp việc test mãy cũ dễ dàng hơn nhiều. Đặc biệt, sau Tết nếu bạn có nhu cầu bán lại thì cũng không quá mất giá.
Điều tra người bán, mua bán tại nhà.
Sau khi xác định được chiếc máy cần mua, giờ là tìm người bán
Việc tìm hàng từ các trang rao vặt có một cái hay, đó là dễ dàng tìm hiểu về người bán. Hãy tìm hiểu về địa chỉ, số điện thoại và lịch sử các lần rao bán trước của người đó. Nếu anh ta vừa tìm mua một chiếc iPhone 4S mấy ngày trước, rồi hôm nay lại đăng bán 1 chiếc iPhone 4S là quả là đáng suy nghĩ.
Sau khi tìm được một người bán, hãy liên hệ để có thể gặp họ ở tại nhà hoặc cơ quan, tránh trường hợp mua bán những thiết bị có giá trị cao tại quán nước hay ngoài đường. Hơn nữa, việc mua bán tại nhà có thể giúp bạn thử wifi, kiểm tra màn hình kỹ hơn, thử kết nối với sạc pin hoặc máy tính. Nếu máy không còn bảo hành, hãy thỏa thuận với người bán về thời gian bao test, hoặc thậm chí viết giấy tờ mua bán.
Một cách nữa mình thường áp dụng, đó là chụp lại ảnh của người bán. Khi đã bị ghi hình thì họ sẽ ít dám lừa đảo, hoặc trốn chạy hơn.
Ở trường hợp thương gia, họ có cửa hàng và chế độ bảo hành 3-6 tháng. Tuy nhiên, nhiều thương gia còn có cả khả năng của “thợ”, tức là làm mới những chiếc máy cũ, hỏng, rồi bán với mức giá của máy “ngon”, chưa kể những cửa hàng không uy tín, khi máy có vẫn đề thì thường cò quay, trốn tránh trách nhiệm. Vì vậy, hãy chọn những thương gia lâu năm, được đánh giá cao trong cộng đồng, tránh xa những trường hợp nằm trong blacklist của trang mua bán đó.
Không tham rẻ
Ở trường hợp của người bán, chắc chắn bạn không muốn bán rẻ chiếc máy của mình, thế nên đừng quá hy vọng vào những chiếc máy được bán với mức giá rẻ tới đáng ngờ, dù thời điểm sắp Tết này, giá thành chung của điện thoại cũ xuống khá nhiều.
Không ít trường hợp đã mua được máy với giá hời, nhưng khả năng đây là 1 sản phẩm có khuyết tật hoặc "hàng dựng" còn cao hơn rất nhiều. Và để cho an toàn, tốt nhất hãy tránh xa các sản phẩm có giá quá rẻ.
Thực tế là thị trường đồ secondhand không bao giờ có 1 mức giá cố định và giá bán của máy phụ thuộc rất nhiều vào tình trạng máy. Và để có thể mường tượng được 1 mức giá hợp lý cho dòng sản phẩm mà bạn định mua, hãy vận dụng Google, bạn sẽ thấy rất nhiều topic rao bán đồ 2nd với model mà bạn quan tâm, dạo qua 1 vài kết quả và bạn sẽ có được 1 mặt bằng tương đối về mức giá của máy cũ.
Kiểm tra
Việc này nên dành cho những người có kinh nghiệm, tuy nhiên bằng mắt thường hay những thao tác cơ bản, một người không chuyên hoàn toàn có thể đưa ra quyết định cho mình.
Kiểm tra bên ngoài: Hình thức bề ngoài có thể nói cho bạn biết rất nhiều về cách người chủ trước sử dụng máy, thậm chí là cả việc anh ta đã dùng nó trong bao lâu, có hỏng hóc gì hay không.
Vị trí đầu tiên mà bạn cần xem khi chọn mua máy cũ là các đầu... ốc vít của máy. Tất cả các dấu hiệu như đầu vít bị xước xát nghiêm trọng, bị toét hoặc con vít khác màu , sai chủng loại đều là dấu hiệu cho thấy máy từng bị cạy mở.
Thứ quan trọng tiếp theo là màn hình. Một miếng dán màn hình có thể biến một màn hình xước thành hoàn hảo, vậy nên nếu cảm thấy chưa đủ tin tưởng, hãy thử bóc miếng dán đó ra. Sau đó, kiểm tra việc hiển thị các màu sắc, soi màn hình ở nhiều góc độ khác nhau,…
Để chắc chắn hơn, nhiều trường hợp người mua còn yêu cầu tháo máy để xem bảng mạch bên trong, chỉ cần một dấu hiệu bất thường trên mainboard thì chắc chắn không nên mua chiếc máy đó rồi.
Bên trong (các chức năng của máy): Các smartphone hiện nay đều cung cấp các công cụ để test máy, bạn nên tìm hiểu trước khi đi xem hàng, tìm hiểu thêm cả những lỗi mà sản phẩm đó thường dính phải. Điều dễ kiểm tra nhất và cũng quan trọng nhất chính là kết nối Wifi, sau đó là thử cảm ứng, đặc biệt là các góc, cạnh màn hình, rồi đến bước kiểm tra pin. Hãy thử một vài tác vụ nặng nhẹ khác nhau, hoặc khởi động lại để theo dõi độ sụt pin, nếu máy quá nóng và pin sụt nhiều thì có lẽ bạn cũng nên suy nghĩ lại.
Cũng đừng quên kiểm tra lại số IMEI với một số loại máy có in IMEI lên vỏ. Nếu không trùng thì nhiều khả năng chiếc máy đã bị thay main hoặc thay vỏ. Từ IMEI, bạn còn có thể kiểm tra thông tin bảo hành từ hãng.
Cuối cùng, mua đồ điện tử, đặc biệt điện thoại cũ là một việc đầy may rủi. Dẫu vậy, với sự chuẩn bị kỹ càng, cẩn thận và đôi chút kinh nghiệm, bạn sẽ dễ dàng tìm được thiết bị vừa ý với giá cả phải chăng sử dụng trong Tết này… và áp dụng những kinh nghiệm này về sau, khi mà nhu cầu trao đổi, mua bán smartphone cũ ngày càng tăng cao.
Mua điện thoại cũ: Những bước kiểm tra không thể bỏ qua
Mua điện thoại đã qua sử dụng là giải pháp của nhiều người khi muốn sở hữu một chiếc smartphone yêu thích nhưng đã không còn hàng mới. Dưới đây một số bước kiểm tra mà bạn không thể bỏ qua nếu muốn mua được một chiếc điện thoại cũ chất lượng.
Sở hữu một chiếc điện thoại thông minh thế hệ mới chính là thể hiện điều kiện cũng như đẳng cấp của người dùng. Tuy nhiên không phải ai cũng có đủ năng lực tài chính để sắm cho mình một chiếc vừa ý. Một giải pháp khá phổ biến cho ước mơ đó nhiều người đã chọn mua điện thoại cũ với giá rẻ hơn gấp đôi nhưng lại không biết chắc chắn chất lượng ra sao. Vì vậy, việc kiểm trả thật kỹ chiếc máy điện thoại cũ mà bạn định mua là việc không thể bỏ qua.
Kiểm tra vật lý
Khi mua một chiếc smartphone cũ, bạn phải xem xét kỹ càng coi màn hình của nó có bị trầy xước hay không và mặt sau có bị lỏng lẻo. Bạn cũng cần phải đặc biệt quan tâm đến việc máy có bị vô nước hay chưa và chất lỏng có trong máy hay không.
Bằng cách mở vỏ mặt sau và kiểm tra nhãn dán trên pin, hoặc các cổng USB và cổng sạc nếu nó có một màu vàng hoặc màu cam thì thiết bị này đã vô nước. Bởi vì các linh kiện này bằng kim loại và chúng chắc chắn sẽ đổi màu khi có nước thâm nhập.
Trong trường hợp chủ sở hữu đã thay đổi pin, bạn nên kiểm tra bất kỳ các các đinh ốc nào của máy xem nó có đổi màu hay không.
Phải đảm bảo thiết bị của bạn đang được bật để kiểm tra các vết nứt. Ngoài ra bạn cũng cần kiểm tra ống kính máy ảnh có bất kỳ dấu hiệu bị trầy xước nào hay không. Bên cạnh đó, nhiều vết lõm và các vết nứt trên thân máy là một dấu hiệu cho thấy chiếc điện thoài này đã từng bị rơi hoặc va đập rất nhiều và các thành phần bên trong máy có thể hỏng hóc.
Thông số kỹ thuật
Mua một chiếc điện thoại đã qua sử dụng cũng cần phải có các thông số kỹ thuật đáp ứng nhu cầu của bạn. Nếu bạn xem video nhiều hay mất nhiều giờ truy cập Internet thì bạn sẽ cần một điện thoại với một màn hình lớn để nâng cao trải nghiệm của bạn. Còn nếu bạn thích chụp ảnh và trò chuyện trực tuyến thị bạn cần phải quan tâm đến độ phân giải camera phía sau và phải xem coi thiết bị này có camera trước để thực hiện các tương tác truyền thông xã hội hay cuộc gọi video được hay không. Bạn có thể nhận được tất cả các thông số kỹ thuật của điện thoại cũ từ trang web của nhà sản xuất chỉ bằng cách nhập tên hay mã hiệu của nó.
So sánh điện thoại Android và iPhone
Điều tiếp theo bạn nên cân nhắc là hệ điều hành. Nếu bạn cần một chiếc điện thoại dễ sử dụng, an toàn với kiểu dáng bắt mắt thì bạn nên chọn iPhone. Tuy nhiên, nếu bạn muốn tính linh hoạt và thiên về cá nhân thì bạn nên chọn điện thoại Android.
Điện thoại đã được mở khóa
Nếu bạn mua một chiếc smartphone có nguồn gốc từ nước ngoài bạn cần phải xem xét kỹ nó đã được mở khoá hay chưa. Một số smartphone do các nhà mạng nước ngoài cung cấp có thể không tương thích với sóng mạng của nơi bạn ở. Cách tốt nhất là bạn gắn SIM vào máy, thực hiện các cuộc nghe gọi, cài mạng 3G và nhắn tin để kiểm tra điện thoại có thực sự tương thích với mạng hay không.
Hãy mua điện thoại tân trang lại
Sự khác biệt chính giữa một chiếc điện thoại đã qua sử dụng và điện thoại tân trang lại chính là ở chất lượng của nó. Một điện thoại tân trang lại (do nhà sản xuất hay điểm bán điện thoại uy tín phát hành) được kiểm tra và sửa chữa cho bất kỳ sai sót nào. Thậm chí một số nhà cung cấp còn bảo hành trên điện thoại tân trang lại mặc dù thời gian ngắn hơn nhiều so với thời gian bảo hành trên thiết bị mới.
Trong bất kỳ trường hợp nào, bạn cũng chỉ nên mua thiết bị cũ khi đã cầm trên tay và xem xét nó một cách cẩn thận. Tuyệt đối không bị những lời quảng cáo hay giải thích của người bán làm cho tin tưởng. Bên cạnh đó cũng đừng vì mức giá bán quá tốt của thiết bị mà bạn sẵn sàng mua nó khi chưa tận mắt thấy hay cầm nó trên tay.