Chúng ta biết rằng đơn vị căn bản của câu là tiếng (word) cũng có thể gọi là chữ. Tiếng được chia làm nhiều loại như: danh từ, đại danh từ, động từ, trạng từ, tính từ, giới từ và liên từ. Có một điều khá quan trọng mà đôi khi chúng ta quên là những cái “từ” ấy có thể là một tiếng, mà cũng có thể là nhiều tiếng hợp lại.
Điều này cũng có thể áp dụng cho Việt Ngữ. Ví dụ khi tôi nói “Một cô gái nhỏ bước ngang đường” thì chữ “nhỏ” là một tính từ tôi dùng để miêu tả “cô gái”. Nay nếu ta nói “Một cô gái nhỏ mặc áo tím bước ngang đường” thì ba chữ “mặc áo tím” cùng hợp thành một tính từ miêu tả danh từ “cô gái”. Nếu ta nói “Một cô gái nhỏ mặc áo tím, tay xách chiếc cặp da, bước ngang đường” thì thêm hai tính từ “nhỏ” và “mặc áo tím” ta còn có một tính từ thứ ba để miêu tả “cô gái”, đó là “tay xách chiếc cặp da” Cả năm chữ này hợp lại thành một tính từ để miêu tả danh từ “cô gái”. Cứ như thế tính từ (cũng gọi là hình dung từ) mà tôi dùng để miêu tả cho một danh từ, có thể là một tiếng mà cũng có thể là nhiều tiếng họp lại. Trong trường hợp sau này, cái tính từ của được gọi là “nhóm tiếng tính từ”, Anh ngữ gọi là adjective phrase.
Nói về trạng từ cũng vậy. Trạng từ có thể là một tiếng, và cũng có thể là nhiều tiếng hợp lại. Thí dụ: “Một cô gái nhỏ, mặc áo tím, tay xách chiếc cặp da, bước vội ngang đường” thì chữ “vội” là một trạng từ dùng để miêu tả động từ “bước” của tôi.
Nay nếu tôi nói “Một cô gái nhỏ, mặc áo tím, tay xách chiếc cặp da, bước vội ngang đường trong ánh nắng đầu thu” thì năm chữ “trong ánh nắng đầu thu” đã họp thành một trạng từ để miêu tả cho động từ “bước”.
Tôi gọi đó là một “nhóm tiếng trạng từ”, Anh ngữ gọi là “ adverb phase”. Cái giá trị và nhiệm vụ của nhóm tiếng trạng từ “trong ánh nắng đầu thu” cũng tương đương với giá trị và nhiệm vụ của trạng từ “vội” vậy.
Danh từ thì cũng có danh từ tiếng một và “nhóm tiếng danh từ”. Ta hãy lấy làm thí dụ câu “Tôi không thích mèo.”
Câu này thuộc vào trường hợp động từ thứ nhất mà ta đã thấy bài trước, tức là động từ chuyển tiếp có túc từ theo sau.Động từ ở đây là “không thích” và túc từ của nó là “mèo”.
Nhưng nếu tôi nói “Tôi không thích con mèo của ba tôi” thì túc từ của động từ “không thích” là không phải là “con mèo” màlà cả năm chữ “con mèo của ba tôi”. Nói một cách khác, năm chữ này đã hợp lại thành một danh từ, Anh ngữ gọi là Noun phrase.
Nói tóm lại, mỗi khi ta nói hoặc viết một câu thì những đơn vị để ta dùng để xây dựng cái câu đó có thể là một tiếng hoặc nhiều tiếng hợp lại. Theo những thí dụ ở trên, ta thấy đều áp dụng cho 3 loại tiếng: danh từ, tính từ và trạng từ. Nhưng trên đây là những thí dụ Việt ngữ. Nay ta thử dịch những thí dụ ấy ra Anh ngữ xem sao. Thí dụ thứ nhất:
- A little girl crossed the street.
- A little girl, wearing a purple dress and carrying a leather bag in her hand, hurriedly crossed the street in the early autumn sun.
Trong câu trên, “little” là một tính từ tôi dùng để miêu tả danh từ “girl”. Trong câu dưới, ngoài chữ “little” tôi còn dùng “wearing a purple dress” và “carrying a leather bag in her hand” là những nhóm tính từ dùng để miêu tả danh từ “girl”.
Trong câu trên, động từ “crossed” của tôi không có tiếng nào để mô tả cho nó cả tức là không có trạng từ (adverb). Nhưng trong câu dưới tôi đã đã dùng chữ “hurriedly” (vội) là một trạng từ, và “in the early autumn sun” là nhóm tiếng trạng từ (adverb phrase) để miêu tả cho động từ “crossed” vậy.
Về ví dụ thứ hai:
- I don’t like cats.
- I don’t like the cat of my father.
Ta thấy rằng trong câu trên, danh từ “cats” là object của động từ “don’t like”. Câu dưới thì cả năm chữ “the cat of my father” là nhóm tiếng danh từ (noun phrase) làm object cho động từ “don’t like”.
Một thí dụ khác: “I want you to go”. ( Tôi muốn anh đi). Trong câu này cái object của động từ “want” không phải là “you” mà là “you to go”. Không phải “tôi muốn anh” (xin lỗi, việc quái gì mà tôi lại muốn anh mới được chứ?) mà là tôi muốn “anh đi”. Vậy thì “you to go” là một nhóm tiếng danh từ làm túc từ cho động từ “want” vậy.
Trên đây là nói về đơn vị tiếng và nhóm tiếng trong một câu. Bây giờ tôi sẽ nói về đơn vị mệnh đề (clause) trước khi trở lại vấn đề phân tách subject và predicate của những câu dài và khó.
Mệnh đề là gì? Mệnh đề là một đơn vị có đủ subject và predicate đứng trong phần subject hoặc predicate của một câu dài. Nói cách khác, mệnh đề là một câu ngắn nằm trong một câu dài. Ta hãy lấy thí dụ mấy câu sau đây:
1) The early settlers had treated the natives shamefully.
2) The settlers arriving first on the island had treated the natives shamefully.
3) The settlers, who arrived first on the island, had treated the natives shamefully.
Trong câu thứ nhất tôi đã dùng tính từ “early” để miêu tả cho danh từ “settlers” của tôi. Trong câu thứ hai tôi đã dùng nhóm tiếng tính từ “arriving first on the island” để miêu tả cho danh từ “settlers”. Và trong câu thứ ba, tôi đã dùng sáu chữ “who arrived first on the island” để miêu tả cho danh từ “settlers”. Sáu chữ này là một câu ngắn vì nó có đủ subject (who) và predicate (arrived first on the island). Câu ngắn này đóng vai trò một tính từ để miêu tả cho danh từ “settlers”. Giá trị và nhiệm vụ của nó cũng tương đương như giá trị và nhiệm vụ của tính từ “early” trong câu thứ nhất hay nhóm tiếng tính từ “arriving first on the island” trong câu thứ hai. Một câu ngắn nằm trong một câu dài và đóng vai trò một tính từ như vậy, tôi gọi nó là mệnh đề tính từ (adjective clause).
Một ví dụ khác:
1/ We met a reputed statesman.
2/ We met a statesman of great reputation.
3/ We met a statesman who had an international reputation.
Trong câu thứ nhất, danh từ “statesman”, object của động từ “met” được mô tả bằng tính từ “reputed”. Trong câu thứ hai, cũng danh từ “statesman” được mô tả bằng nhóm tiếng tính từ “of great reputation”. Trong câu thứ ba, cái tính từ mà tôi dùng để miêu tả cho danh từ “statement” lại là một miệng đề, “who had an international reputation.”
Tóm lại chúng ta có thể miêu tả mỗi danh từ trong câu bằng một tính từ (adjective), nhóm tiếng tính từ (adjective phrase) hay mệnh đề tính từ (adjective clause).
Nói về trạng từ cũng thế, có thể có trạng từ tiếng một, nhóm tiếng trạng từ và mệnh đề trạng từ. Thí dụ:
1/ I arose early.
2/ I arose at dawn of day.
3/ I arose as soon as it was light.
Trong câu thứ nhất, động từ “arose” được mô tả bằng trạng từ “early”. Trong câu thứ hai, động “arose” được mô tả bằng nhóm trạng từ “at dawn of day”. Và trong câu thứ, động “arose” được mô tả bằng mệnh đề “as soon as it was light”. Một mệnh đề dùng để mô tả một động từ như vậy, tôi gọi nó là mệnh đề trạng từ (adverb clause). Giá trị và nhiệm vụ của nó cũng tương đương như một trạng từ thường vậy.
Và danh từ cũng không có gì khác. Danh từ mà ta dùng trong câu có thể là danh từ tiếng một, nhóm tiếng danh từ, hay mệnh đề danh từ. Thí dụ:
1/ We knew the route.
2/ We knew where to go.
3/ We knew that the road led to Dalat.
Trong câu thứ nhất (thuộc trường hợp động từ chuyển tiếp có object theo sau) cái object của động từ “knew” là “the route”, danh từ tiếng một. Trong câu thứ hai, cái object của động từ “knew” là “where to go”, nhóm tiếng danh từ. Trong câu thứ ba cái object của động từ “knew” là “the road led to Dalat” tức là mệnh đề danh từ (noun clause). Điều đáng chú ý là những nguyên tắc trên đây đều có thể áp dụng cho Việt ngữ. Thí dụ tôi nói:
1/ Tôi hiểu anh.
2/ Tôi hiểu câu nói của anh.
3/ Tôi hiểu anh nói gì.
Trong câu thứ nhứt, túc từ của động từ “hiểu” là đại danh từ “anh”. Trong câu thứ hai, túc từ của động từ “hiểu” là nhóm tiếng danh từ “câu nói của anh”. Trong câu thứ ba, túc từ của “hiểu” là mệnh đề danh từ “anh nói gì”.
Nói tóm lại, những danh từ, tính từ và trạng từ mà ta dùng trong câu có thể là một tiếng mà cũng có thể là nhiều tiếng hợp lại. Điều này rất quan trọng cho việc đặt câu cho đúng mẹo luậ tmà tôi sẽ trình bày.
Bây giờ chúng ta hãy trở lại với câu thí dụ “A man opened the door”. Câu này thật là dễ, phần subject của nó chỉ có độc một danh từ “a man”; phần predicate thì có động từ “opened” là động từ chuyển tiếp dẫn theo danh từ “the door” làm object cho nó. Nếu trong Anh ngữ, câu nào cũng như câu này cả thì chúng ta chẳng có chuyện gì để nói nữa. Rất tiếc là lại có những câu dài và khó hơn nhiều mà chúng ta phải tìm hiểu cơ cấu, mạch lạc để có thể nói và viết Anh ngữ cho đúng mẹo.
Tôi thí dụ bạn muốn viết một cuốn tiểu thuyết khởi đầu bằng cái cảnh “một người mở cái cửa”. Nếu bạn chỉ viết “Một người mở cái cửa” rồi chấm câu để qua một câu khác thì tiểu thuyết của bạn chắc chắn là chẳng có ma nào thèm đọc. Vậy ta phải làm thế nào cho cái cảnh “một người mở cái cửa” nó có thêm chi tiết, nghĩa là ta phải “thêm mắm thêm muối” cho cả hai phần chủ từ “một người” và diễn từ “mở cái cửa” để cho câu văn của ta thêm phần bay bướm, thì mới gọi là văn chương được. Cái bay bướm ấy có thể diễn tiến như sau đây:
- A man opened the door.
Trong phần subject của câu văn có danh từ “man”, tôi bèn cho nó một tính từ (adjective) để miêu tả cho cái người của tôi.
Đồng thời, bên phần predicate có danh từ “door”, cũng có thể được miêu tả bằng một tính từ. Và tôi viết:
- A fat man opened the glass-panelled door.
Ta cũng miêu tả động từ “opened” bằng một trạng từ chỉ thể cách (adverb of manner):
- A fat man cautiously opened the glass panelled door.
Thế là câu văn của tôi bắt đầu dài dài rồi đấy. Nay tôi muốn tả thêm cái “người” của tôi. Nói ông ta “béo” chưa đủ, tôi muốn nói thêm là ông ta “đội nón xám” và “mặc quần đen”, tức là tôi miêu tả danh từ “man” bằng hai nhóm tiếng tính từ (adjective phrase). Và tôi viết:
- A fat man, wearing a grey hat and black trousers, cautiously opened the glass-panelled door.
Bây giờ tôi sẽ nói thêm về cái cửa. Đó là một cái cửa kính lớn dẫn tới văn phòng ông Giám đốc.
Vậy tôi thêm cho danh từ “door” một tính từ nữa là “big” và một mệnh đề tính từ ( adjective clause) để nói cái ý kiến là “ nó dẫn tới văn phòng ông Giám đốc”. Và tôi viết:
- A fat man, wearing a grey hat and black trousers, cautiously opened the big glass-panelled door which led to the Director’s office.
Nay tôi lại muốn miêu tả thêm cái hành động “mở cửa” của nhân vật của tôi. Không những mở cửa một cách “cẩn thận”(cautiously) mà còn “cố không làm một tiếng động.” Tôi bèn viết:
- A fat man, wearing a grey hat and black trousers, cautiously and without making a sound, opened the big glass-panelled door which led to the Director’s office.
Câu văn của tôi tới đây khá dài nhưng tôi vẫn muốn nói thêm rằng nhân vật tiểu thuyết của tôi mở cái cửa đó vào hồi 10h sáng. Tôi bèn thêm cho động từ “opened” một nhóm tiếng trạng từ chỉ thời gian (adverb phrase of time). Và tôi viết:
-At ten o’clock in the morning, a fat man, wearing a grey hat and black trousers, cautiously and without making a sound,opened the big glass-panelled door which led to the Director’s office.
Nay tôi muốn nói thêm rằng cái cửa đó dẫn tới văn phòng ông Giám đốc “bằng một lối đi ngắn”, tức là ta sẽ miêu tả động từ “led” trong mệnh đề tính từ “which led to the Director’s office” bằng một tiếng trạng từ chỉ thể cách (adverb phrase of manner). Và tôi lại viết:
- At ten o’clock in the morning, a fat man, wearing a grey hat and black trousers, cautiously and without making a sound, opened the big glass-panelled door which led, by way of a short passage, to the Director’s office.
Đến đây, tôi tự hỏi câu văn của tôi đã nói đủ những điều mà tôi muốn nói về cái cảnh “một người mở cửa” chưa? À, tôi quên mất cái chi tiết là nhân vật của tôi có xách một cái dù. Tôi lại phải thêm cho danh từ “man” một nhóm tiếng tính từ nữa là “tay xách một cái dù”. Và tôi viết:
- At ten o’clock in the morning, a fat man, wearing a grey hat and black trousers, and carrying an umbrella is his hand cautiously and without making a sound, opened the big glass-panelled door which led, by way of a short passage, to the Director’s office.
Thế là tôi đã nói được hết những chi tiết về “một người mở cái cửa” để mở đầu cho cuốn tiểu thuyết của tôi. Và câu văn của tôi kể ra cũng khá “bay bướm” đấy chứ! Từ một câu rất ngắn, tôi đã phát triển thành một câu khá dài và có phần hơi khó một chút vậy.
Sau đây tôi xin lấy một thí dụ khác về sự phát triển từ ngắn đến dài và từ dễ đến khó của một câu Anh ngữ. Tôi sẽ viết luôn những giai đoạn diễn tiến của thí dụ này bằng Anh ngữ kèm theo lời dịch ra Việt ngữ, để các bạn tự ý theo dõi và tìm xem sự “thêm mắm thêm muối” sẽ diễn ra như thế nào:
- The situation improved.
(Tình hình đã cải thiện).
- The situation of the farmers improve considerably.
(Tình hình của dân cày đã cải thiện một cách đáng kể).
- The situation of the farmers in the western provinces, who had suffered heavy losses for some years owing to bad harvests and disartrous floods, improved considerably in 1965.
(Tình hình của dân cày ở các tỉnh miền Tây, những người đã chịu nhiều thiệt hại nặng nề suốt mấy năm vì mất mùa và những trật lụt tai hại, đã cải thiện một cách đáng kể vào năm 1965.)
- The situation of the farmers in the western provinces, who had suffered heavy losses for some years owing to bad harvests and disartrous floods, improved considerably in 1965 when a large-scaleprogram of financial and technical assistance was implemeneted by the government.
(Tình hình của dân cày ở các tỉnh miền Tây, những người đã chịu nhiều thiệt hại nặng nề suốt mấy năm vì mất mùa và những trật lụt tai hại, đã cải thiện một cách đáng kể vào năm 1965, khi một chương trình giúp đỡ tài chánh và kỹ thuật đại quy mô được chính phủ thi hành.)
- The situation of the farmers in the western provinces, who had suffered heavy losses for some years owing to bad harvests and disartrous floods, improved considerably in 1965 when a large-scaleprogram of financial and technical assistance was implemeneted by the government in cooperation with relief agencies from several friendly countries.
(Tình hình của dân cày ở các tỉnh miền Tây, những người đã chịu nhiều thiệt hại nặng nề suốt mấy năm vì mất mùa và những trật lụt tai hại, đã cải thiện một cách đáng kể vào năm 1965, khi một chương trình giúp đỡ tài chánh và kỹ thuật đại quy mô được chính phủ thi hành sau khi nghiên cứu kỹ càng, với sự cộng tác của những cơ quan cứu trợ của nhiều nước bạn.)
Các bạn thấy rằng câu thứ nhất chỉ vỏn vẹn có 3 chữ, và câu sau cùng đã có tất cả 54 chữ, một câu khá dài và khá phức tạp, nhưng vẫn dựa trên cái căn bản “Tình hình đã cải thiện”. Sự phát triển đã diễn tiến qua nhiều giai đoạn bằng cách “thêm mắm thêm muối” cho danh từ “tình hình” cũng như động từ “đã cải thiện”. Tôi chắc chắn rằng các bạn đã tự ý nhận ra những chi tiết đó, tức là những tính từ, nhóm tiếng tính từ và mệnh đề tính từ tôi đã dùng miêu tả cho cái danh từ “tình hình” cùng những trạng từ, nhóm tiếng trạng từ và mệnh đề trạng từ mà tôi đã dùng để miêu tả cho cái động từ “đã cải thiện” của tôi.