'NGẮN' và 'DÀI'

Trong khi dạy học, mỗi khi có một lớp học sinh mới, tôi thường đặt một vài câu hỏi để thử sự hiểu biết của họ. Một trong những câu hỏi mà tôi thường đặt ra là “Trong Anh ngữ, một câu thường phải có mấy phần?” Mỗi khi tôi hỏi như vậy thì hầu hết cả lớp đều nhanh nhẩu đáp: “Phải có ba phần: chủ từ, động từ và túc từ.” Đó là một điều sai lầm lớn. Vì

Trong khi dạy học, mỗi khi có một lớp học sinh mới, tôi thường đặt một vài câu hỏi để thử sự hiểu biết của họ. Một trong những câu hỏi mà tôi thường đặt ra là “Trong Anh ngữ, một câu thường phải có mấy phần?” Mỗi khi tôi hỏi như vậy thì hầu hết cả lớp đều nhanh nhẩu đáp: “Phải có ba phần: chủ từ, động từ và túc từ.”

Đó là một điều sai lầm lớn. Vì mỗi câu trong Anh ngữ đều phải có hai phần và chỉ có hai phần mà thôi. Không câu nào có một phần, mà cũng không câu nào có ba hay bốn năm phần cả. Dù là một câu thật ngắn và thật giản dị, hay một câu thật dài, thật khó và phức tạp, cũng chỉ có hai phần, không hơn không kém. Hai phần đó là phần Subject (chủ từ) và phần Predicate (diễn từ).

Subject là gì? Khi bạn nói hoặc viết một câu, trước hết bạn phải nói đến một cái gì. Cái đó có thể là một người, một con thú, một sự kiện hay một ý niệm trừu tượng. Ta hãy lấy một vài câu làm thí dụ:

1) I am going to school.

2) The book is on the table.

3) The dog ran into the street.

4) How to keep him quiet is a real problem.

5) Patience is the key of success.

6) Keep off the grass.

Bạn nhận thấy rằng trong mỗi câu trên đây tôi đều nói đến một cái gì. Câu thứ nhất nói đến “tôi”. Câu thứ nhì nói đến “cuốn sách”. Câu thứ ba nói đến “con chó”. Câu thứ tư nói đến “làm thế nào cho hắn im lặng”. Câu thứ năm nói đến “sự kiên nhẫn”. Thế còn câu thứ sáu? Câu này mới xem qua tưởng chừng như không nói đến cái gì cả, nhưng sự thật thì khi tôi nói “Keep off the grass” (Đừng dẫm lên cỏ) là tôi nói đến anh và bảo anh đừng dẫm chân lên cỏ.

Vậy thì cái mà ta nói đến mỗi khi ta nói hay viết một câu chính là phần subject của câu đó. Còn predicate là gì? Predicate, tiếng Việt tạm gọi là “diễn từ”, là phần chỉ điều mà ta muốn nói về cái subject. Khi tôi nói “I am going to school” là tôi muốn nói tôi đang đi học chứ không phải đi chơi hay đi chợ. Khi tôi nói “The book is on the table” là tôi muốn nói đến cuốn sách ở trên bàn chứ không phải ở dưới hay cất trong tủ. Khi tôi nói “The dog ran into the street” là tôi muốn nói con chó chạy ra ngoài đường chứ không phải chạy vào trong nhà hay nằm ngủ dưới gốc cây.

Cứ như thế, trong mỗi câu tôi đều nói đến một cái gì (Subject) và muốn nói một điều gì (Predicate) về cái đó.

Vậy chúng ta có thể phân tích hai phần của mỗi thí dụ trên đây như sau:

Subject

Predicate

I

am going to school.

The book

is on the table

The dog

ran into the street

Patience

is the key of success

How to keep him quiet

is a real problem

(You)

Keep off the grass

Trên đây là những câu rất ngắn và dễ. Đến những câu thật dài và thật phức tạp, khi phân tách ra, ta cũng chỉ thấy có hai phần mà thôi, và trong trường hợp này thì mỗi phần đều có nhiều chi tiết, nhiều giây mơ rễ muống chằng chịt, nhất là phần “diễn từ” nó có thể dài lê thê như một bài diễn từ của các nhà chánh trị vậy.

Chúng ta thử so sánh hai câu sau đây:

1- A man opened the door.

2- at 10 o’clock in the morning a fat, ugly man, wearing a grey hat and black trousers, and carrying an umbrella in his hand, carefully and without making a sound, opened the big, glasspanelled door which led, by way of a short passage, to the director’s officel.

Chúng ta thấy rằng trong câu thứ nhất, cái mà tôi nói đến là a man (một người) và điều mà tôi muốn nói về a man đó là opened the door (mở cái cửa). Và câu đó có thể phân tách ra hai phần rõ rệt như sau:

Subject

Predicate

A man

opened the door

Trong câu thứ hai, nếu đọc kỹ bạn sẽ thấy rằng cái mà tôi nói đến vẫn là a man và điều mà tôi muốn nói về a man đó vẫn là opened the door.

Nói một cách khác những tiếng căn bản (key words) của câu số hai vẫn là a man bên phần subject và opened the door bên phần predicate. Nhưng trong trường hợp này cả hai bên đều có gốc rễ chằng chịt, cành lá xum xuê. Phân tách được sự chằng chịt và xum xuê đó để đi tìm cái mạch lạc của nó là nắm được cái chìa khóa của cú pháp Anh ngữ vậy.

Trước khi thử phân tách Subject và Predicate của một câu dài và khó, có mấy điều quan trọng mà tôi muốn trình bày với các bạn. Những điều này có lẽ các bạn đã học rồi, nhưng tưởng cần phải nhắc lại, để cho khỏi có sự thiếu sót đối với những bạn mới học:

Điều thứ nhất là các loại câu trong Anh ngữ. Có tất cả 4 loại câu: Câu nói (Statement), Câu hỏi (question), câu than (exclamation) và câu lệnh (command). Thí dụ:

Statement       :      He wrote a letter.

Question         :      Where are we going?

Exclamation   :      How beautiful she looks !

Command       :      Don'ts smoke.

Cố nhiên là mỗi câu trên đều có hai phần, phân tích ra như sau:

Subject

Predicate

He

wrote……. a letter

We

are going……. where

She

looks…… how beautiful

(You)

don’t smoke

 

Điều thứ hai mà tôi muốn lưu ý các bạn là những trường hợp của Predicate. Chúng ta thấy rằng từ cái tiếng chính bên phần Subject phải là danh từ hoặc đại danh từ, và cái tiếng chính bên phần Predicate phải là động từ. Nhưng có tất cả ba trường hợp động từ, cũng có thể nói là ba trường hợp Predicate mà chúng ta phải phân biệt.

Trường hợp thứ nhất là động từ chuyển tiếp ( ransitive verb) tức là một động từ tự nó chưa đủ nghĩa và đòi hỏi một sự bổ túc, tức là đòi hỏi một túc từ (object) thì mới đủ nghĩa. Thí dụ: động từ punish, nếu tôi nói The teacher punished  chẳng hạn thì câu không đủ nghĩa và bạn sẽ hỏi “punished” cái gì mới được chứ. Động từ “punish” đứng một mình không đủ nghĩa, nó đòi hỏi một sự bổ túc. Đó là một transitive verb, một động từ cần chuyển tiếp hành động mà nó phát biểu qua từ nào khác đứng sau nó và từ đó chúng ta gọi là túc từ (object). Vậy thì ta hãy thêm cho động từ “punished” trong câu thí dụ trên đây một cái object.

The teacher punished the pupils.

Đó là trường hợp thứ nhất, tức là trường hợp động từ chuyển tiếp có túc từ theo sau.

Trường hợp thứ hai là trường hợp động từ không chuyển tiếp (intransitive verb), nghĩa là một động từ tự nó đã đủ nghĩa, có thể đứng một mình mà không cần một sự bổ túc nào cả. Thí dụ: động từ to laugh. Nếu ta nói We laughed chẳng hạn, thì câu của tôi đã hoàn toàn đủ nghĩa, động từ “laughed” không đòi hỏi một tiếng nào khác để bổ túc cho nó.

Trường hợp thứ ba là trường hợp động từ không chuyển tiếp nhưng tự nó vẫn chưa đủ nghĩa và đòi hỏi một sự bổ túc. Thí dụ: động từ to be, nếu nói He is thì mặc dù có động từ “is” là một động từ không chuyển tiếp nhưng nó vẫn chưa đủ nghĩa và cần có sự bổ túc. Tôi phải nói He is a boy hay He is good thì câu của tôi mới đủ nghĩa.

Trường hợp này Anh ngữ gọi là intransitive verb of incomplete predicate và cái tiếng mà chúng ta dùng để bổ túc cho cái động từ không chuyển tiếp nhưng không đủ nghĩa ấy, Anh ngữ gọi là complement.

Chữ complement Việt ngữ vẫn dịch là “túc từ” nhưng ta cần phải phân biệt complement với object: một bên là túc từ của một động từ không chuyển tiếp và một bên là túc từ của một động từ chuyển tiếp.

Một điều quan trọng nữa là trong khi object phải là một danh từ hay đại danh từ, thì complement có thể là một danh từ, đai danh từ hay là một tính từ (adjective). Thí dụ trong câu He is a boy thì complement của is là một danh từ (boy). Trong câu He is good thì complement của is lại là một tính từ (good).

Nói tóm lại có ba trường hợp predicate: trường hợp thứ nhất là động từ chuyển tiếp có object theo sau; trường hợp thứ hai là động từ không chuyển tiếp và đủ nghĩa; trường hợp thứ ba là động từ không chuyển tiếp nhưng chưa đủ nghĩa, phải có Complement theo sau.

Ngoài ba trường hợp trên đây, bạn không thể tìm ra một trường hợp nào khác. Vậy mỗi khi viết một câu Anh ngữ, bạn phải tự hỏi xem câu văn của mình nằm trong trường hợp nào để tránh những câu văn lưng chừng.