Mỗi kĩ năng tiếng Anh đều đòi hỏi ở người học những yếu tố khác nhau. Luyện đọc đòi hỏi sự chăm chỉ, cần mẫn, óc phân tích tốt, luyện viết đòi hỏi khả năng liên kết và sáng tạo, luyện nghe lại yêu cầu bạn phải tập trung cao độ. Tuy nhiên, trong 4 kĩ năng, có lẽ kĩ năng nói có yêu cầu đặc biệt hơn so với nhóm còn lại.
Điều đó dẫn đến việc không ít người dù thành thạo 3 kĩ năng kia nhưng lại gặp khó khăn trong việc nói tiếng Anh, vì họ đã phạm phải một số sai lầm khó sửa chữa từ khi mới bắt đầu luyện nói.
1/ Sợ mắc lỗi khi nói:
Đây là sai lầm cơ bản của người mới luyện tiếng Anh, nếu không khắc phục từ đâu, điều này sẽ trở thành thói quen xấu, trong tình huống tệ nhất, người học sẽ hình thành chứng nói lắp. Khi mới bắt đầu luyện nói, chúng ta thường hay kì vọng sẽ nói được trơn tru một câu từ đầu đến cuối, vì thế trước khi bắt đầu, chúng ta chuẩn bị trong đầu rất kĩ lưỡng cho những gì mình sắp diễn đạt, tuy nhiên, điều này không ít khi trở nên thái quá và kết quả là lúc định mở miệng nói, chúng ta lại có cảm giác bị lực vô hình nào đó cản lại không thể phát âm. Theo các bác sĩ khoa nhi, rào cản tâm lý này cũng chính là nguyên nhân hàng đẫu dẫn đến việc nói lắp ở trẻ nhỏ, chúng ta trong quá trình học ngoại ngữ đã vô tình mắc phải. Để khắc phục, bạn đừng đặt nặng vấn đề mắc lỗi, khi có ý tưởng lóe lên trong đầu, hãy liên kết ngay chúng lại và bật ra thành tiếng, tránh để tắc nghẽn trong cuống họng. Dù đúng, dù sai, khi nói ra thành lời, não bộ của bạn đã phải làm quen với việc diễn dịch nhanh ý nghĩ ra ngôn từ, và dần dần sẽ gia tăng tốc độ cũng như tính chính xác trong khâu phiên dịch đó.
2/ Điều chỉnh phát âm ngay từ đầu:
Sẽ là một sai lầm nếu bạn cố gắng điều chỉnh phát âm của mình ngay từ khi bắt đầu luyện nói. Vì trong giai đoạn đầu, bạn chưa đủ khả năng xử lý trơn tru mọi thứ, nếu phải đảm nhiệm quá nhiều công việc cùng một lúc ,não bộ của bạn sẽ quá tải. Khi bắt đầu, bạn chỉ nên tập trung vào việc liên kết từ ngữ và diễn đạt ý nghĩ, khi đã có thể nói liên tục mà không cần phải động não quá nhiều, bạn hãy chú ý đến phát âm. Có ý kiến cho rằng làm vậy sẽ tạo thói quen xấu, đến khi sửa lại lối phát âm cũ sẽ rất khó khăn. Đồng ý rằng bạn sẽ phải mất không ít thời gian để điều chỉnh lại những sai sót vốn đã trở thành thói quen, tuy nhiên nếu ôm đồm quá nhiều thứ, bạn cũng sẽ mất không ít thời gian để hoàn thiện tất cả cùng một lúc, kèm theo đó là sự căng thẳng và những ảnh hưởng không tốt đến tâm lý.
3/ Không mạnh dạn, sợ “quê”:
Khác với đọc, nghe, viết, khi luyện nói, bạn phải chấp nhận đứng trước đám đông trong lớp học. Đối với nhiều người, việc đối diện với đám đông đã là kinh khủng lắm rồi, huống chi là còn phải nói tiếng Anh. Bạn lấy hết dũng khí đứng lên thực hiện cuộc đối thoại, cả lớp chăm chú theo dõi, bạn phát âm sai, và rồi cả lớp cười ồ, thế là bao dũng khí bay biến đi hết, bạn chỉ ước sao mặt đất nứt ra để có thể chui xuống. Đây là kịch bản rất thường thấy ở các lớp luyện nói tiếng Anh. Tuy nhiên, nếu muốn giỏi, bạn phải chấp nhận vượt qua rào cản này, một hai lần đầu chuyện này có thể là cơn ác mộng đối với bạn, nhưng dần dà, bạn sẽ cảm nhận được sự tự tin lớn dần trong bản thân!
Chúc bạn thành công!