'TRƯỚC' và 'SAU'

Các bạn thử dịch giùm tôi câu này ra Anh ngữ: “Hôm qua tôi đi xem chiếu bóng.” Chắc chắn nhiều bạn sẽ thấy là rất dễ và bèn hạ bút dịch ngay là: Yesterday I went to the movie. Nhưng thưa các bạn dịch như vậy là sai rồi, vì tại sao các bạn lại để chữ “yesterday” lên đầu câu mới được chứ. Đúng ra thì câu tiếng Anh phải

Các bạn thử dịch giùm tôi câu này ra Anh ngữ: “Hôm qua tôi đi xem chiếu bóng.” Chắc chắn nhiều bạn sẽ thấy là rất dễ và bèn hạ bút dịch ngay là:

Yesterday I went to the movie.

Nhưng thưa các bạn dịch như vậy là sai rồi, vì tại sao các bạn lại để chữ “yesterday” lên đầu câu mới được chứ. Đúng ra thì câu tiếng Anh phải là:

I went to the movie yesterday.

Các bạn đã để chữ “yesterday” lên đầu chỉ vì đã dịch theo câu tiếng Việt bắt đầu bằng chữ “hôm qua.” Như vậy là các bạn đã nói tiếng Anh theo tinh thần tiếng Việt chứ không phải theo tinh thần tiếng Anh vậy.

Thí dụ trên đây cho ta thấy Việt ngữ và Anh ngữ có nhiều điểm không giống nhau trong vấn đề vị trí của trạng từ thời gian. Bình thường trong Việt ngữ chúng ta hay để trạng từ thời gian lên đầu câu, nhưng trong Anh ngữ người ta lại không làm như vậy.

Vấn đề là ở sự nhấn mạnh vào hành động trong câu hay vào thời gian của hành động ấy. Chỉ khi nào chúng ta muốn nhấn mạnh vào điểm thời gian của hành động trong câu thì chúng ta mới để trạng từ thời gian lên đầu câu. Thí dụ như trong trường hợp trên đây nếu tôi muốn nói với bạn là hôm qua tôi đi xem chiếu bóng chứ không phải là đi làm hay đi dạo phố tức là tôi muốn cho bạn biết một hành động của tôi hôm qua thì tôi phải nói là:

I went to the movie yesterday.

Tức là tôi đã đặt trạng từ thời gian của tôi vào cái vị trí bình thường của nó. Nhưng nếu tôi muốn kể cho bạn biết rằng hôm kia tôi đi nhảy đầm, hôm kìa tôi đi câu cá và hôm qua thì tôi đi xem chớp bóng, khi ấy tôi mới đặt trạng từ thời gian của tôi lên đầu câu và nói:

Yesterday I went to the movie.

Trong khi Việt ngữ thường đặt trạng từ thời gian lên đầu câu dù có nhấn mạnh hay không nhấn mạnh, thì Anh ngữ chỉ đặt trạng từ thời gian lên đầu câu khi có nhấn mạnh vào điểm thời gian đó. Một thí dụ khác:

“Hôm qua Quốc Hội đã họp phiên đặc biệt để thảo luận về vấn đề tự do báo chí.”

Nếu phải dịch câu này ra Anh ngữ thì chắc chắn sẽ có nhiều bạn viết là:

“Yesterday the National Assembly held a special session to discuss the problem of freedom of the press.”

Dịch như vậy là sai vì trong câu này hiển nhiên không có ý nhấn mạnh vào điểm thời gian mà chỉ nhấn mạnh vào việc làm của Quốc Hội. Vậy thì câu Anh ngữ phải là:

“The National Assembly held a special session yesterday to discuss the problem of freedom of the press.”

Các bạn thử mở một tờ báo Việt và một tờ báo Anh ngữ ra xem. Trong tờ báo Việt có rất nhiều tin bắt đầu bằng trạng từ thời gian như “hôm qua”, “tuần tới”, “thứ bảy vừa qua” hay “hôm rồi”. Trong khi đó thì trong cả tờ báo Anh ngữ các bạn khó lòng tìm thấy một tin tức bắt đầu bằng một trạng từ thời gian như “yesterday”, “last week”, “last Saturday”, hay “recently”. Tất cả những trạng từ thời gian này đều được đặt sau chủ từ hoặc động từ, vì một lẽ rất dễ hiểu là tin tức không nhấn mạnh vào thời gian trước mà nhấn mạnh vào sự việc trước.

Một thí dụ khác: anh bạn tôi có một con mèo và anh ta thường cho nó ăn vào buổi sáng. Nếu tôi muốn cho bạn biết về công việc “cho mèo ăn” của anh ta, tức là nhấn mạnh vào hành động, thì tôi phải nói:

He feeds the cat every morning.

Nếu tôi muốn cho bạn biết là mỗi buổi sáng anh ta làm gì nghĩa là tôi chú ý đến thời giờ của anh ta hơn là chú ý đến việc anh ta nuôi mèo thì khi đó tôi nói:

Every morning he feeds the cat.

Sự đặt lầm vị trí của trạng từ thời gian trong Anh ngữ là một trong những cái lỗi thông thường nhất của người Việt khi học tiếng Anh. Bạn cứ thử kiểm soát lại những câu bạn đã viết hoặc đã đọc thường ngày, bạn sẽ thấy là có rất nhiều câu bạn đã đặt trạng từ thời gian lên đầu trong khi câu của bạn chỉ có ý nhấn mạnh vào sự việc mà không có ý nhấn mạnh vào thời gian.

Nay ta hãy bàn thêm về vấn đề này, tức là vấn đề vị trí trạng từ trong câu Anh ngữ, một vấn đề khá quan trọng nhất là đối với người Việt học tiếng Anh.

Vị trí của trạng từ thời gian bình thường là ở sau động từ, nhưng có một loại trạng từ thời gian mà người ta gọi là adverbs of frequency (trạng từ chỉ sự thường có) như always, often, seldom, sometimes chẳng hạn đều được đặt ở giữa chủ từ và động từ. Chúng ta hãy trở lại với thí dụ anh bạn nuôi mèo của tôi:

He always feeds the cat.

He often feeds the cat.

He seldom feeds the cat.

He sometimes feeds the cat.

He never feeds the cat.

Các bạn thấy rằng vị trí của adverb of frequency là ở giữa chủ từ và động từ nếu động từ trong câu được dùng ở một thì đơn (simple sense). Còn nếu động từ trong câu được dùng ở một thì kép (compound sense) hoặc là một sự phối hợp động từ (verb combination) thì trạng từ đó sẽ được đăt như sau:

He has always fed the cat.

He has often fed the cat.

He has sometimes fed the cat.

He will never feed the cat.

He would sometimes feed the cat.

He should often feed the cat.

Các bạn nhận thấy rằng trong những trường hợp này vị trí của adverb of frequency nằm ở giữa trợ động từ và động từ chính.

Bây giờ chúng ta hãy nói về trạng từ chỉ cách (adverb of manner) và lấy một câu khác làm thí dụ căn bản (cho mèo ăn mãi ngán quá): “She cleared the table”. (cô ta dọn bàn).

Các bạn hãy so sánh những câu sau đây:

She slowly cleared the table.

She cleared the table slowly.

She sadly cleared the table.

She cleared the table sadly.

She calmly cleared the table.

She cleared the table calmly.

Trong những câu thí dụ trên đây, trạng từ nằm giữa chủ từ và động từ hoặc nằm ở cuối câu. Nếu bạn đặc biệt chú ý đến cái cách “cô ta dọn bàn” như thế nào thì bạn đặt trạng từ ra đằng sau động từ và túc từ của nó. Còn nếu bạn chú trọng đến sự kiện cái bàn được dọn mà chỉ muốn nói qua về cái cách dọn bàn thì bạn đặt trạng từ ở giữa chủ từ và động từ.

Cố nhiên bạn cũng có thể đặt trạng từ chỉ cách ở ngay đầu câu, nhưng trường hợp này chỉ dùng khi bạn kể chuyện và muốn cho câu nói hoặc câu viết của bạn có một hiệu lực đặc biệt. Nhưng bạn nên nhớ là đừng bao giờ đặt trạng từ nằm vào giữa động từ và túc từ vì động từ và túc từ luôn luôn đi liền với nhau. Nếu động từ của bạn có một trợ động từ đi kèm trong trường hợp một thì kép hoặc một sự phối hợp động từ, và nếu bạn không có ý nhấn mạnh vào cái cách làm của động từ ấy, thì bạn đặt trạng từ ngay sau trợ động từ. Thí dụ:

She was slowly clearing the table.

Đó là nói về vị trí của trạng từ tiếng một. Còn trường hợp câu của bạn có nhóm tiếng trạng từ (adverb phrase) thì bình thường bạn phải đặt nhóm tiếng trạng ấy ở cuối câu. Thí dụ:

She cleared the table with trembling hands.

He answered the telephone with a languid voice.

Bạn cũng có thể đặt nhóm tiếng trạng từ lên đầu câu nếu bạn kể chuyện và muốn cho câu nói hoặc viết của bạn có một hiệu lực đặc biệt. Thí dụ:

With much hesitation he signed the cheque.

Quick as lighning he opened the door.

Trên đây là nói về nhóm tiếng trạng từ chỉ thời gian và chỉ cách nhưng luật này cũng áp dụng cho các nhóm tiếng trạng từ khác. Vị trí bình thường vẫn là ở cuối câu, chỉ đôi khi mới đặt ở đầu:

I like osysters very much indeed.

She caught sight of him at the end of the road.

Prices are high because of the shortage.

If possible, I will come tomorrow.

Trên đây, chúng ta mới chỉ nói đến những câu mà động từ đứng một mình hoặc có túc từ trực tiếp (direct object) theo sau. Nay chúng ta hãy xét đến trường hợp động từ có túc từ gián tiếp (indirect object).

Chắc các bạn đã biết thế nào là indirect object. Thí dụ như thay vì nói “He fed the cat”, tôi có thể nói “He gave food to the cat” hoặc “He gave the cat some food.” Trong 2 trường hợp này danh từ cat là túc từ gián tiếp của động từ gave. Tôi chắc các bạn đã biết rằng, nếu có giới từ to đứng trước túc từ gián tiếp thì tiếng này đi sau túc từ gián tiếp. Nhưng ta cũng có thể đặt nó đứng trước túc từ gián tiếp và bỏ chữ to đi.

Một vài thí dụ khác:

She read him the letter           She read the letter to him

He lent me the book.               He lent the book to me.

I will send you a cheque.        He will send a cheque to you.

Trong những câu thí dụ trên đây, nếu có trạng từ thì vị trí của trạng từ cũng như trong những câu không có túc từ gián tiếp. Nên nhớ là cả hai túc từ trực tiếp và gián tiếp đều đi theo động từ và không được tách rời khỏi nhau. Thí dụ:

She slowly read him the letter.

I will send you a cheque at the end of the month.

After some hesitation, he lent the book to me.

Những nguyên tắc về vị trí của trạng từ và nhóm tiếng trạng từ mà tôi đã trình bày với các bạn trên đây cố nhiên không phải là những nguyên tắc cứng rắn. Có nhiều trường hợp, bạn có thể uyển chuyển không áp dụng những nguyên tắc đó. Thí dụ như câu sau đây:

I will certainly and without a doubt send you a cheque at the end of the month.

Trong câu này ngoài trạng từ “certainly” tôi có hai nhóm tiếng trạng từ là “without a doubt” và “at the end of the month” được đặt ở vị trí bình thường, nhưng nhóm tiếng trạng từ “without a doubt” lại được đặt ở giữa chủ từ và động từ. Nhưng không phải lúc nào bạn cũng có thể làm như vậy được và tốt hơn là chúng ta nên làm theo những quy tắc đã đề ra ở trên.

Nói chung thì về phương diện vị trí, trạng từ có thể chia làm ba loại: loại đứng đầu (front-position adverbs) loại đứng giữa (mid-position adverbs), và loại đứng cuối (end-position adverbs). Loại đứng đầu gồm có những trạng từ nghi vấn how, when, where, why. Loại đứng giữa gồm đa số các adverbs of frequency như always, regularly, usually, generally, often, frequently, sometimes, occasionally, rarelly, seldom, neverever. Loại đứng cuối thì gồm các trạng từ chỉ thời gian, địa điểm, đường hướng, cung cách (manner) trình độ (degree), nguyên do (reason)..v.v.. Nhưng những trạng từ này cũng có thể đặt vào vị trí đứng đầu hoặc đứng giữa, như chúng ta đã thấy ở trên.

Trong trường hợp chúng ta có hai hoặc nhiều trạng từ trong một câu thì thứ tự của các trạng từ ấy như thế nào? Nếu đó là hai trạng từ cùng chỉ thời gian thì thường thường người ta đặt đơn vị nhỏ hơn ở đằng trước. Thí dụ:

I will meet you at three o’clock tomorrow.

We arrived at five o’clock yesterday afternoon.

I saw the film on Tuesday evening last week.

Tuy nhiên, nếu đơn vị lớn được coi là quan trọng hơn, hoặc nếu đơn vị nhỏ là một ý kiến mà người nói nghĩ đến sau, thì trật tự trên đây lại được đảo ngược:

I will meet you tomorrow, at three o’clock.

We arrived yesterday afternoon about three o’clock.

Khi có hai trạng từ chỉ địa điểm, thì đơn vị nhỏ hơn thường thường, nhưng không phải là luôn luôn, được đặt ở đằng trước. Thí dụ:

He lives in a small village in the Delto.

We spent the holidays in a cottage in the mountains.

Trật tự này có thể thay đổi tùy theo cách hành văn, hoặc để làm cho câu văn được cân đối. Thí dụ:

We spent the holidays in the mountains in a cottage we rent from a friend.

Khi trong câu có một trạng từ chỉ địa điểm hoặc đường hướng, và một trạng từ chỉ thời gian, thì trạng từ chỉ thời gian thường thường đi sau. Thí dụ:

We went for a swim in the lake before breakfast.

I will be there early.

We are going to Holland next month.

I expect to be back home by Tuesday.

Meet me outside the post office at five o’clock on Monday.

They went to the cinema on Saturday evening.

Can you get here by evening.

Please return the book to the library before Monday.

Trật tự này có thể thay đổi, nghĩa là trạng từ chỉ thời gian có thể đứng ở đầu câu. Thí dụ:

Last month, we went to Dalat; next month we are going to Vung Tau.

Như chúng ta đã thấy, trường hợp này được dùng khi ta muốn nhấn mạnh vào điểm thời gian của hành động. Tuy nhiên, chỉ có vị trí của trạng từ thời gian có thể được đổi ra đầu câu, còn trạng từ chỉ địa điểm hoặc đường hướng thì ít khi được đặt vào vị trí này. Thí dụ, bình thường không ai nói: “To Dalat we went last month” cả.

Đôi khi trạng từ chỉ thời gian cũng được đặt ở ngay sau động từ để tránh sự lầm lẫn về ý nghĩa. Thí dụ bạn hãy so sánh hai câu sau đây:

Please return all books to the library before Monday.

Please return before Monday all books that you have borrowed from the library.

Trong câu trên, các trạng từ được đặt ở vị trí bình thường: trạng từ chỉ địa điểm “to the library” đứng trước trạng từ chỉ thời gian “before Monday”.

Trong câu dưới, trạng từ chỉ thời gian “before Monday” được đặc biệt đặt vào giữa động từ và túc từ, vì nếu nó được đặt vào cuối câu thì người có thể hiểu rằng nó miêu tả cho động từ “borrowed” chứ không phải cho động từ “return”.

Ngoài ra, nếu trong một câu có trạng từ chỉ địa điểm hoặc đường hướng và trạng từ chỉ sự thường có (adverbs of frequency) thì trạng từ chỉ địa điểm hoặc đường hướng được đặt ở trước trạng từ chỉ sự thường có, trong khi trạng từ chỉ sự thường có được đặt trước trạng từ chỉ thời gian. Thí dụ:

I have been to London several times this year.

He walked round the park twice before dinner.

He gave lectures at the training college three days a week last term.

He saw that film at the Rex Cinema twice last week.

He goes to Europe every other year.

Trật tự trên đây cũng có thể được thay đổi bằng cách đặt trạng từ chỉ thời gian lên đầu câu trong trường hợp chúng ta muốn nhấn mạnh vào điểm thời gian của hành động:

Before dinner he walked round the park twice.

This year I have been to London several times.

Bây giờ chúng ta hãy nói qua về các trạng từ chỉ cung cách và trình độ (adverbs of degree and manner). Các trạng từ chỉ cách như well, badly, hard và một số trạng từ chỉ cách khác thường thường đều được đặt ở cuối và không đứng giữa động từ và túc từ. Thí dụ:

She sings beautifully.

He is working well.

He is playing badly today.

He had done the work well.

She plays tennis beautifully.

You speaks English perfectly.

Trong trường hợp những câu than (exclamatory sentences) có chữ “how” thì trạng từ được đặt liền với “how” chứ không đặt ở cuối câu. Thí dụ:

How well he has done his work!

How well she plays tennis!

How beautifully she sings!

How hard you work!

Trạng từ chỉ trình độ “much” thường thường được đặt ở cuối câu:

He doensn’t speak much.

Does she play tennis much.

Do you like the cinema much?

He doesn’t like wine very much.

(Hãy so sánh câu này với câu “He doesn’t like very much wine”. Câu trên có nghĩa là hắn không thích rượu lắm và câu dưới vẫn đúng văn phạm nhưng có nghĩa là hắn không thích uống nhiều rượu.)

Vị trí của một tiếng, của một nhóm tiếng hay của một mệnh đề là điều rất quan trọng vì nó có thể biến đổi ý nghĩa của cả một câu. Trên đây chúng ta đã bàn về vị trí của trạng từ trong câu và đã đề ra một số nguyên tắc cho các trạng từ chỉ thời gian, trạng từ chỉ địa điểm hoặc đường hướng, trạng từ chỉ trình độ và cung cách và trạng từ chỉ sự thường có. Chúng ta dã thấy rằng một trạng từ hoặc một nhóm tiếng trạng từ thuộc các loại trên đây được đặt ở đầu câu, giữa câu hoặc cuối câu, có thể biến đổi cái ý mà ta muốn nói.

Bây giờ tôi muốn bàn với các bạn về việc dùng một loại trạng từ đặc biệt mà Anh ngữ gọi là adverb particles, dịch tạm là những mẩu trạng từ. Những adverb particles quan trọng nhất gồm có: up, down, in, out, on, off, away, back.

Những mẩu trạng từ này được phối hợp với động từ để làm thành những sự phối hợp động từ có những ý nghĩa hoặc bình thường (thí dụ: take your hat off, put your hat on) hoặc bất thường (thí dụ: put off a meeting, có nghĩa là hoãn một cuộc họp lại.)

Những mẩu trạng từ này có phần giống với Việt ngữ. Thí dụ: “put your hat off” Việt ngữ là “bỏ mũ ra”; “put your hat on” Việt ngữ là “đội mũ vào”; “stand up” là “đứng lên”, “sit down” là “ngồi xuống”. Những chữ ra, vào, lên, xuống đó cũng có nhiệm vụ tương đương như những mẩu trạng từ off, on, up, down trong Anh ngữ vậy.

Có những mẩu trạng từ được dùng như giới từ. Thí dụ: trong câu I ran down the hill thì down là giới từ, còn trong câu The clock has run down thì down là trạng từ. Sự phối hợp run down ở đây có nghĩa là “ngừng chạy.”

Trong một vài trường hợp khác run down cũng có nghĩa là “hết hơi”. Thí dụ: The battery has run down có nghĩa là “bình điện đã hết hơi”. Run down còn được dùng như một động từ chuyển tiếp và trong trường hợp đó thì nó có nghĩa là “đụng ngã”. Thí dụ: Their car ran down a predestrian có nghĩa là “Chiếc xe hơi của họ đã đụng ngã một người đi bộ.”

Tính ra có đến hàng trăm cách phối hợp từ và mẩu trạng từ như vậy. Những sự phối hợp này có khi có một nghĩa rõ rệt do hai nghĩa của động từ và trạng từ cộng lại (thí dụ: They went out có nghĩa là “họ đi ra.”) Nhưng cũng có nhiều sự phối hợp có một nghĩa khác hẳn không lệ thuộc nghĩa của động từ và trạng từ cộng lại (Thí dụ: The gun went off by accident có nghĩa là: “súng nổ vì tai nạn.”)

Vị trí bình thường của những mẩu trạng từ là đứng sau trạng từ và túc từ. Thí dụ:

Put your hat on.

Take your coat off.

Lock this up.

Don’t lock yourself out.

Send them back.

Have you given it away?

Bring her in.

The bus knocked him down.

Take the dog out.

They shouted the man down.

Trật tự trên đây được đổi lại mẩu trạng từ đặt vào giữa động từ và túc từ trong trường hợp chúng ta có một túc từ dài hoặc một nhóm tiếng danh từ đóng vai trò túc từ. Thí dụ:

Put on the other hat.

Take off your overcoat.

You should put on the warmest clothes you have.

She cleaned up every room in the house.

She put on a air of innocence.

He has brought about great reforms.

Don’t throw away anything that might be useful.

Please bring in those chairs that are in the garden.

Trật tự trên đây cũng được dùng khi chúng ta muốn nhấn mạnh vào túc từ. Thí dụ:

We must lock up the house.

You’ve brought about my ruin.

(Nên nhớ rằng trong trường hợp túc từ là một đại danh từ nhân xưng (personal pronoun) thì mẩu trạng từ bắt buộc phải đặt ở đằng sau. Thí dụ: Put it on. Take it off. Lock it up.)

Bây giờ tôi xin hầu chuyện với bạn đọc về vấn đề vị trí của tính từ. Như các bạn đã biết vị trí bình thường của tính từ là ở trước danh từ mà nó miêu tả. Thí dụ:

He wore a large black hat.

She is a beautiful girl.

Nếu tính từ đứng địa vị túc từ gán tính (complement) tức là túc từ của một động từ không chuyển tiếp nhưng chưa đủ nghĩa như động từ “to be” hoặc các động từ tương đương, thì tính từ đó đứng sau động từ. Thí dụ:

Our doctor is good.

My parents are not rich.

Cũng nên nhắc lại là khi có nhiều tính từ liên tiếp theo nhau đứng địa vị complement thì hai tính từ chót được nối liền bằng liên từ and. Thí dụ:

The day was cloudly and cold.

He looked pale, tired and dispirited.

The flowers were many-colored, flagrant and in full bloom.

Trong thí dụ chót trên đây, bạn nhận thấy “in full bloom” là một nhóm tiếng tính từ (adjective phrase). Bình thường một nhóm tiếng tính từ phải đứng sau tính từ mà nó miêu tả chứ ít khi đứng trước, chỉ trừ trường hợp người ta cố ý đặt nó ra đằng trước và dùng gạch nối để nối liền những tiếng trong nhóm tiếng ấy. Thí dụ:

A never-to-be-forgotten evening.

(Một buổi tối không-bao-giờ-quên-được.)

Ngoài ra các bạn cũng nhận thấy là trong Anh ngữ người ta thường dùng danh từ để làm tính từ, và những danh từ được dùng làm tính từ đó phải đứng trước cái danh từ mà nó miêu tả chứ không thể đứng sau. Thí dụ:

It was a dark November evening.

Trong câu này, “November” là một danh từ dùng làm tính từ để miêu tả cho danh từ “evening”. Nhưng người ta không thể nói “The evening was dark and November” được.

Việc dùng danh từ làm tính từ rất thông dụng trong Anh ngữ nhất là trong các bài quảng cáo. Thí dụ:

This ell-purpase effictiency office calculator will bring you bussiness success.

Trong câu này, danh từ calculator có tới ba danh từ khác được dùng làm tính từ để miêu tả cho nó. Lối dùng quá nhiều danh từ làm tính từ như thế đôi khi làm cho câu văn thành nặng nê,phải vậy chúng ta nên tránh là hơn.

Ngoài ra cũng có nhiều người quá tham dùng tính từ, viết những câu trong đó có cả một “xê-ri” tính từ nối đuôi nhau đứng trước danh từ. Thí dụ:

He lived in a large, ugly, noisy, disagreeable industrial town.

Trong câu này, danh từ “town” được miêu tả bằng 5 tính từ nối đuôi nhau đứng trước là “large”, “ugly”, “noisy”, “disagreeable” và “industrial”. Do đó mà câu văn trở nên nặng nề, trong khi chúng ta có thể viết:

He lived in a large industrial town which was ugly, noisy and disagreeable.

Các bạn đừng ngại dùng liên quan đại danh từ (relative pronouns) để làm những mệnh đề tính từ (adjective clauses) và làm cho câu văn thêm cân đối, bớt nặng nề, vì bớt được những tính từ hoặc nhóm tiếng tính từ nối đuôi nhau như người ta xếp hàng để mua vé chớp bóng. Thí dụ:

A man wearing a red tie, leaning against the gate taking his pipe out of his mouth, began to whistle a tune known to them all.

Câu này có một loạt những nhóm tiếng phân từ (participle phrases) tức là một loại nhóm tiếng tính từ nối đuôi nhau để miêu tả cho danh từ “man” làm cho câu văn rất nặng nề. Nay chúng ta có thể sửa lại là:

A man wearing a red tie, who was leaning against the gat, took his pipe out of his mouth and began to whistle a tune which they all knew.

Trong câu này tôi đã dùng liên quan đại danh từ who để dẫn theo một mệnh đề tính từ miêu tả cho man và liên quan đại danh từ which để dẫn theo một mệnh đề tính từ khác miêu tả cho danh từ tune. Đồng thời tôi cũng cho phần predicate của câu thêm một động từ chính nữa là took và nối liền hai động từ bằng liên từ and