Với hầu hết mọi người, học một thứ gì mới cũng giống như một cuộc chiến vậy. Có thể chúng ta không muốn thừa nhận điều này, nhưng có phải mỗi khi học, dù ít dù nhiều, chúng ta cũng có một cảm giác gì đó ức chế và khó chịu đúng không?
Có bao nhiêu môn chúng ta học ở trường mà thấy hứng thú, hay hầu hết chỉ toàn mồ hôi và nước mắt?
Trên 90% số người được hỏi đều thừa nhận rằng cứ mỗi một môn học gây hứng thú, họ lại phải đối mặt với ba đến năm môn học khác mà họ ghét.
Điều này chẳng có gì là mới!
Chúng ta có thể an ủi bản thân rằng:” Đời là thế mà! Có những việc chúng ta phải làm, dù muốn hay không.”
Vấn đề ở đây là…tỉ lệ đó bao nhiêu. Nếu những việc bạn phải làm có hết 80% là bắt buộc? Liệu bạn có thể vui không?
Bạn có hai cách để đối mặt với vấn đề này: Làm những gì bạn thích hoặc…(cố gắng) thích những gì bạn làm!
Sức mạnh của ý chí đang bị thổi phồng!
Chúng ta thường nghe khuyên :” Hãy cố gắng, kiên trì nỗ lực, và bạn có thể đạt được mọi thứ!”
ĐÚNG…nhưng chưa đủ!
Nếu ý chí của bạn đủ mạnh, bạn có thể giam mình trong phòng học hàng chục giờ liền mỗi ngày, 365 ngày mỗi năm để đạt được mục tiêu của mình. Tuy nhiên, suốt 10 tiếng mài đũng quần ấy, bạn có vui không, bạn có thích thú khi học không hay bạn chỉ coi đó là “việc phải làm”? Và liệu với tâm trạng nặng nề trách nhiệm mà không có tí niềm vui, bạn có đảm bảo 10 tiếng trôi qua mỗi ngày, việc học của bạn đều đạt hiệu quả?
Chúng ta có vẻ như đang quá đề cao sức mạnh của ý chí. Phương châm “Nếu bạn muốn, bạn có thể làm!” có thể gây nhiều rắc rối cho cuộc sống hơn chúng ta tưởng. Nếu điều ấy đúng, hẳn trên đời đã có rất nhiều vĩ nhân. Kỷ luật bản thân khó có thể duy trì trong thời gian dài nếu chúng ta chán ghét việc mình đang làm, hoặc nếu có may mắn thành tựu, thì đó cũng là sau khi chúng ta đã quá mệt mỏi để có thể tận hưởng thành quả của bản thân.
Tất cả phải bắt đầu từ đam mê, hoặc chí ít cũng là sự thích thú.
Đến đây các bạn có thể hỏi: ”Tôi không thích học tiếng Anh, nhưng đó là thứ quan trọng phải học, làm sao nói như anh được?”
Đồng ý! Như đã nói, chúng ta rất khó có quyền quyết định nên học cái gì, tất cả đều xuất phát từ nhu cầu của trường lớp hoặc xã hội. Tuy nhiên, để tránh cảnh mỗi ngày phải gặm dần từng cuốn sách, bạn có thể thêm vào hoạt động học của mình những thói quen và sở thích của bạn.
Điều này nghe có vẻ hơi xa lạ, vì chúng ta đã quá quen thuộc với hình ảnh một đứa bé ngoan ngoãn ngồi vào bàn học, cặm cụi với hàng đống sách vở…sau khi bị bố/mẹ phệt 2 roi vào đít. Ngay từ nhỏ, cách giáo dục của phụ huynh đã khiến chúng ta co quan niệm rằng “Học là một chuyện bắt buộc!”, mà đã bắt buộc thì không thể gắn với niềm vui.
Tuy nhiên, học là một quá trình liên tục và không ngừng, việc học mà chúng ta đang quan niệm chỉ là một phần nhỏ, hàng ngày, chúng ta phải học hỏi, tiếp thu thêm rất nhiều điều mà ngay chính bản thân cũng không ý thức được mình đang làm vậy. Vì quá trình học này diễn ra rất tự nhiên, không do gò ép, và quan trọng nhất, vì chúng ta không quan niệm đó là học, nên sẽ thấy thoải mái hơn rất nhiều.
Vậy điều tôi định khuyên bạn là gì? Đừng coi đó là một nghĩa vụ bắt buộc nữa, hãy khiến việc học của bạn trở nên tự nhiên hơn và hứng thú hơn!
Ví dụ, để học giỏi tiếng Anh, không nhất thiết bạn phải ôm khư khư những quyển giáo trình Toeic, Toefl, Ielts, suốt ngày. Bạn có thể luyện nghe qua những bộ phim mình ưa thích bằng cách xem qua một lần rồi tắt thuyết minh. Hoặc trau dồi từ vựng bằng cách lên mạng search những đề tài mình hứng thú tìm hiểu thay vì đọc text trong sách giáo trình, vì bạn muốn tìm hiểu đề tài nào, bạn sẽ có động lực tra cứu từ vựng và ghi nhớ rất nhanh.
Đó chỉ là vài ví dụ cho thấy bạn hoàn toàn có thể chủ động hơn trong việc học của mình, điều quan trọng nhất, bạn phải thay đổi góc nhìn và thái độ của bản thân đối với việc học, bạn sẽ dần cảm thấy mọi việc nhẹ nhàng hơn rất nhiều và không còn phải cực nhọc gò ép bản thân vào khuôn khổ như trước.
Chúc bạn thành công!