'NÀY' và 'NỌ'
'NÀY' và 'NỌ', 465, Kim Thư,
, 16/09/2013 14:41:56Chúng ta đã thấy một số những cách đặt câu điều kiện (conditional sentences) trong Anh ngữ mà tôi gọi là những câu “nếu thế này thì thế nọ”. Việc dùng chữ should để chỉ điều kiện chỉ là một trong những cách đó mà thôi. Sau đây tôi xin tổng kết lại các thí dụ mà không giải thích để các bạn tự nhận định lấy:
If he tries harder, he will succeed.
If he tried harder, he will succeed.
If he tried harder, he would succeed.
If he were to try harder, he will succeed.
If he were to try harder, he would succeed.
Were he to try harder, he will succeed.
Were he to try harder, he would succeed.
If he should try harder, he will succeed.
If he should try harder, he would succeed.
Should he try harder, he will succeed.
Should he try harder, he would succeed.
If he tried harder, he would have succeeded.
If he had tried harder, he would have succeeded.
Had he tried harder, he would have succeeded.
Tất cả 14 câu trên đây, nếu dịch ra Việt ngữ, thì chỉ có thể nói hai cách là “Nếu hắn cố gắng hơn thì hắn sẽ thành công”, hay “Nếu hắn cố gắng hơn, thì hắn đã thành công”.
Anh ngữ có nhiều cách để nói một câu điều kiện như vậy, nhưng tựu trung những câu “nếu thế này, thì thế nọ” có thể chia làm hai loại: Loại A gồm những câu mà mệnh đề “nếu thế này” chỉ một điều kiện có thể hoặc không có thể thực hiện; và Loại B gồm những mệnh đề “nếu thế này” chỉ là một giả thuyết, một việc khó thực hiện hoặc đã không thực hiện trong quá khứ.
Thí dụ loại A:
1- What can we do if it rains?
2- We shall go provided the weather is fine.
3- So long as you return the book by Saturday I will lend it to you with pleasure.
4- Don’t come unless I tell you to come.
Thí dụ loại B:
1- He would come if he had time.
2- If you had tried harder, you would have succeeded.
3- If you were a bird, you could fly.
Nhận định các câu trên đây, trước hết chúng ta thấy rằng muốn nói một câu “nếu thế này, thì thế nọ” không phải chỉ có chữ if dùng vào mệnh đề điều kiện mà còn có những chữ khác như so long as, provided (that), on condition (that), và trong trường hợp điều kiện phủ định (negative condition) người ta dùng unless (cũng có nghĩa như if… not nhưng mạnh hơn).
Bây giờ chúng ta hãy xét từng câu một thuộc loại A. Câu 1: “What can we do if it rains?” (Nếu trời mưa thì chúng ta làm gì?) đưa ra một cái “nếu” có thể có mà cũng có thể không. Khi tôi nói câu này, tôi có ý nói là trời có thể mưa mà cũng có thể không mưa, tức là cái điều kiện của tôi có thể thực hiện mà cũng có thể không.
Câu 2: “We shall go provided the weather is fine” (Chúng ta sẽ đi nếu trời đẹp) cùng đưa ra một điều kiện tương tự: trời có thể đẹp mà cũng có thể xấu. Câu 3 (Tôi vui lòng cho anh mượn cuối sách, nếu anh trả nó lại cho tôi vào ngày thứ bảy và câu 4 (Anh đừng đến trừ khi tôi bảo anh đến) đều có những điều kiện có thể thực hiện mà cũng có thể không.
Anh ngữ gọi đó là điều kiện “bỏ ngỏ” (open condition) tức là đặc tính của loại A.
Còn loại B gồm những câu điều kiện khó thực hiện hoặc đã không thực hiện được. Anh ngữ gọi là điều kiện “bỏ đi” (rejected condition). Thí dụ câu: “He would come if he had time” nếu dịch ra tiếng Việt thì chỉ có thể nói “hắn sẽ đến nếu hắn có thời giờ” nhưng câu tiếng Anh có nghĩa là hắn khó lòng có thì giờ nhưng nếu hắn có thì giờ thì hắn sẽ đến.
Câu 2 “If you had tried harder, you would have succeeded” chỉ một điều kiện đã không xảy ra trong quá khứ. Câu này có nghĩ là anh đã không hề cố gắng hơn, nhưng tôi nghĩ rằng nếu anh cố gắng hơn thì anh đã thành công. Điều kiện ở đây cũng là một điều kiện “bỏ đi”.
Câu 3: “If you were a bird you could fly” (Nếu anh là chim thì anh sẽ biết bay) là một thí dụ rõ rệt nhất về điều kiện “bỏ đi” vì sức mấy mà anh có thể là con chim để bay bổng trời anh được.
Tóm lại, những câu điều kiện trong Anh ngữ có thể chia làm 2 loại: loại điều kiện “bỏ ngỏ” và loại điều kiện “bỏ đi” vậy.
Nay nếu xét về cách dùng động từ trong hai loại câu điều kiện đó, chúng ta sẽ thấy khác biệt như thế nào?
Nhìn vào các thí dụ mà tôi đã đưa ra, ta có thể nhận thấy sự khác biệt nổi bật là: với những câu điều kiện “bỏ ngỏ” thì động từ trong mệnh đề điều kiện (cũng gọi là mệnh đề “nếu” – if-clause) được dùng vào hiện tại (Present Tense) và động từ trong mệnh đề chính thì được dùng vào thì hiện tại hoặc tương lai (Present or Future Tense).
Còn những câu điều kiện “bỏ đi” thì động từ trong mệnh đề “nếu” được dùng vào thì quá khứ (Past Tense) và động từ trong mệnh đề chính thì được dùng với would, should, could (hoặc might).
Đó mới chỉ là một nhận xét căn cứ vào những câu thí dụ mà tôi đã đưa ra. Sự thật thì việc dùng động từ trong các câu điều kiện còn uyển chuyển nhiều hơn thế.
Riêng loại câu điều kiện “bỏ ngỏ” có nhiều cách dùng động từ như sau:
1- Present Tense trong cả hai mệnh đề chính và phụ:
What can we do if he doesn’t come.
If you are right, I am wrong.
If you have enough money, why don’t you buy a car?
(Chú ý: Mệnh đề chính trong câu điều kiện có thể đi trước hoặc đi sau mệnh đề điều kiện, tức là mệnh đề phụ.)
2- Future Tense trong câu mệnh đề chính và Present Tense trong câu mệnh đề phụ:
If it’s ready he will bring it tomorrow.
What shall we do if it rains?
I shall take an umbrella in case it rains.
Supposing the enmy wins the war, what will happen to us?
3-Future Perfect Tense trong mệnh đề chính và Present Tense trong mệnh đề phụ:
If you don’t get there before five o’clock, he will have left the office.
Trong câu này tôi dùng thì Future Perfect ở mệnh đề chính vì có mối tương quan thời gian cần nói rõ: nếu anh không tới đó trước năm giờ thì hắn sẽ rời khỏi sở rồi. Hành động “rời khỏi sở” được hoàn tất (Perfetct) trong tương lai (Future) mà cứ điểm thời gian là lúc năm giờ.
4- Future Tense trong mệnh đề chính và Present Perfect trong mệnh đề phụ:
If he has finished his work by six o’clock, we shall be able to take him with us.
If he has done a good job, we shall pay him for it.
5- Present Tense trong mệnh đề chính và Present Perfect trong mệnh đề phụ:
If you have been travelling all night, you probably need a rest.
If you’ve finished your homework, you can go out and play.
Những động từ dùng vào thì Perfect (Present Perfect hay Future Perfect) luôn luôn có một cứ điểm thời gian để làm đầu mối cho tương quan thời gian trong câu. Khi tôi nói “If you have been travelling all night you probably need a rest” tức là tôi nói câu ấy vào lúc sáng sớm: so với cứ điểm thời gian này thì cái hành động du hành của anh đã diễn ra từ trước và hoàn tất (Perfect) ở lúc tôi nói tức là hiện tại (Present). Và khi tôi nói “If you’ve finished your homework, you can go out and play” thì cứ điểm thời gian là lúc tôi nói: so với cứ điểm ấy thì hành động “làm bài” của anh đã diễn ra từ trước và hoàn tất (Perfect) ở thời hiện tại (Present).
6- Future Tense trong mệnh đề chính và Past Tense trong mệnh đề phụ:
If she promised to be here, she will certainly come.
If he arrived only yesterday, he will probably not leave until Sunday.
7- Present Tense trong mệnh đề chính và Past Tense trong mệnh đề phụ:
If he arrived only yesterday, he is unlikely to leave today.
If you spent the night on the train, you probably need a rest.
8-Past Tense trong cả hai mệnh đề chính và phụ:
If that’s what he told you, he was telling lies.
9- Future Tense trong mệnh đề chính và Past Perfect Tense trong mệnh đề phụ.
If he hadn’t come in when you arrived, he will not come in at all this morning.
10- Present Tense trong mệnh đề chính và Past Perfect Tense trong mệnh đề phụ:
If he had not left any message when you called, he probably intends to be back before you leave.
Bây giờ chúng ta hãy bàn đến cách dùng động từ trong những câu điều kiện “bỏ đi”. Xin nhắc lại: điều kiện “bỏ đi” tức là một điều kiện không thể thực hiện được (thí dụ: if you were a bird) hoặc một điều kiện khó có thể thực hiện, chưa thực hiện được hoặc đã không thực hiện được trong quá khứ.
Đặc tính của những câu điều kiện “bỏ đi” là động từ trong mệnh đề chính thường được dùng với trợ động từ would, should, could hoặc might, nhưng cũng có thể là shall hay will nếu sự việc trong mệnh đề chính là một điều chắc chắn.
Việc dùng động từ trong loại câu điều kiện này tùy thuộc cái “nếu” mà ta đặt ra nói về thời tương lai, thời hiện tại và tương lai phối hợp hay thời quá khứ.
1-Nếu cái điều kiện đặt ra nói về thời tương lai, thì động từ trong mệnh đề chính được dùng với would, should, could, might trong khi động từ trong mệnh đề phụ được dùng với should hoặc were to. Thí dụ:
If he should hear of your marriage, he would be surprised.
Câu này có nghĩa là hắn ta bây giờ đang ở xa, khó lòng mà biết được rằng anh đã lấy vợ, nhưng nếu hắn ta nghe tin anh lấy vợ, thì hắn ta sẽ lấy làm ngạc nhiên. Nếu khi nói câu này ý của tôi là hắn ta quanh quẩn ở nội thành, có thể biết là anh đã cưới vợ mà cũng có thể không biết, nhưng tôi nghĩ rằng nếu hắn biết thì hắn sẽ ngạc nhiên: khi đó câu điều kiện của tôi lại thành điều kiện “bỏ ngỏ”, và tôi phải nói “If he hears of your marriage, he will be surprised”.
Một vài thí dụ khác:
If you were to try, you would be able to do it.
If you should be passing my house, you might return the book you borrowed from me.
If you should start early tomorrow morning, you would be at your destination by evening.
(Chú ý: thay vì động từ would trong câu thí dụ chót trên đây chúng ta có thể dùng could hoặc might, hoặc should tùy theo ý ta muốn nói. Nếu tôi nói “you would be at your destination by evening” tức là tôi muốn nói một có lẽ sẽ xảy ra (probability). Nếu tôi nói “you could hay might be at your destination by evening” tức là tôi muốn nói một điều có thể xảy ra (possibility). Và nếu tôi nói “you should be at your destination by evening” tức là tôi muốn nói một điều mà tôi cho là phải xảy ra (expectation). Trong trường hợp này thì câu của tôi sẽ có 2 chữ “should” trong cả mệnh đề chính lẫn mệnh đề phụ “If you should start early tomorrow morning, you should be at your destination by evening”, một cái “should” chỉ điều kiện, và một cái “should” chỉ sự chờ đợi một cái gì phải xảy ra vậy. (Xem lại bài “Should” và “Would.”)
2-Nếu cái điều kiện đặt ra nói về thời hiện tại, hoặc về cả thời hiện tại lẫn thời tương lai, thì động từ trong mệnh đề chính được dùng với would, should, could hoặc might và động từ trong mệnh đề phụ dùng vào thì quá khứ. Cái thì quá khứ này được gọi là thì quá khứ giả tạo (Past Unreal). Thí dụ:
If I had the money I should pay you now.
Câu này có nghĩa là lúc này tôi không có tiền hoặc chưa có tiền, nhưng nếu tôi có thì tôi sẽ trả anh ngay. Một vài thí dụ khác:
If he heard of your marriage, he would be surprised.
If I accepted this offer, what would you say?
He wouldn’t be in difficulties if he were not so foolish.
If you went to London you might see the Queen.
You could do it if you tried.
If he took his doctor’s advice, he might soon be well again.
Supposing her husband saw me with her, what might he think?
He wouldn’t do it unless you ordered him to do it.
3- Nếu cái điều kiện đưa ra nói về thời quá khứ thì động từ trong mệnh đề chính được dùng ở thể Perfect Infinitive đi cặp với would, should, could hoặc might nếu động từ ấy cũng chỉ một việc thuộc thời quá khứ. Còn động từ trong mệnh đề phụ được dùng vào thì Past Perfect. Thí dụ:
If he had heard of your marriage he would have been surprised.
Câu này có nghĩa là trong quá khứ anh ta không hề biết gì về vụ anh lấy vợ cả, nhưng nếu anh ta biết thì anh ta đã phải ngạc nhiên. Một vài thí dụ khác:
If you had been at the meeting I should have seen you.
You could have done it if you had tried.
If he had taken his doctor’s advice, he might not have died.
Câu thí dụ chót trên đây thật rõ rệt: khi tôi nói câu đó thì hắn ta đã chết rồi, tức là hắn đã không nghe lời bác sĩ nhưng tôi nghĩ rằng nếu hắn ta đã nghe lời bác sĩ thì hắn ta đã không “đi ô tô bương” vậy.
Đó là nói về trường hợp cả hai “nếu thế này” và “thì thế nọ” đều nói về thời quá khứ. Thế còn trường hợp “nếu thế này” thuộc thời quá khứ, mà “thì thế nọ” lai nói về thời hiện tại thì sao?
Trường hợp này động từ trong “mệnh đề nếu” vẫn phải dùng ở Past Perfect nhưng động từ ở mệnh đề chính phải được dùng ở thì hiện tại. Thí dụ thay vì nói rằng nếu anh ta đã nghe lời bác sĩ thì anh ta đã không chết tôi nói nếu anh ta đã nghe lời bác sĩ thì bây giờ anh ta vẫn còn sống. Trong câu này, cái “nếu thế này” của tôi vẫn thuộc thời quá khứ, nhưng cái “thì thế nọ” của tôi lại được đặt vào thời hiện tại và khi đó tôi phải nói:
If he had taken his doctor’s advice, he might still be alive.
Tức là trong trường hợp này, tôi vẫn dùng Past Pefect trong “mệnh đề nếu” nhưng phải dùng Present Infinitive thay vì Perfect Infinitive trong mệnh đề chính vậy.
Trên đây là nói về các cách dùng động từ trong những câu điều kiện. Bây giờ, trước khi qua một vấn đề khác, tôi muốn nói qua về một vài điều cần nhớ khác có liên quan đến vấn đề đặt câu điều kiện:
● Thì tương lai với shall hay will không được dùng trong các mệnh đề điều kiện dù là cái điều kiện đó nhắm về thời tương lai (Xin nhắc lại nên phân biệt giữa “thì” và “thời”). Thí dụ:
If he comes next week what shall we ask him to do? Chứ không phải “If he will come next week what shall we ask him to do?”
Nhưng trong trường hợp chữ will không phải là trợ động từ cho thì tương lai mà là một động từ riêng chỉ ý muốn hoặc sẵn lòng (willingneess) thì ta có thể dùng nó trong mệnh đề điều kiện được. Thí dụ:
If you help me, I can finish by six.
(Nếu anh giúp tôi, thì tôi có thể làm xong từ hồi sáu giờ).
If you will help me, I can finish by six.
(Nếu anh sẵn lòng giúp tôi thì tôi có thể làm xong vào hồi sáu giờ).
Thì quá khứ của will là would cũng có thể được dùng trong mệnh đề điều kiện để chỉ sự sẵn lòng. Thí dụ thay vì nói “If you will help me, I can finish by six” tôi có thể nói:
If you would help me, I could finish by six.
● Có những câu điều kiện mà người ta chỉ nói phần “thì thế nọ” mà không nói phần “nếu thế này” tức là chỉ nói cái mệnh đề chính còn “mệnh đề nếu” được hiểu ngầm. Thí dụ:
I would do anything to help him.
He would never consent to that.
Would you like a cup of tea?
I would like to go with you.
Would you open the door, please.
Đây là những câu mà chúng ta nói thường ngày, nhưng có lẽ nhiều khi chúng ta không để ý rằng đó là những câu điều kiện.
“Would you open the door, please” có nghĩa là “Would you open the door, if you please?”
“Would you like a cup of tea?” có nghĩa là “Would you like a cup of tea if I offered you one?”
“I would you like to to with you.” Có nghĩa là “I would like to go with you if you accepted my company.”
“I would do anything to help him” có nghĩa là “I would do anything to help him if I had the opportunity.”
Một câu điều kiện có thể gồm 2 mệnh đề độc lập liên kết (coordinate clauses) thay vì một mệnh đề chính và một mệnh đề phụ. Thí dụ:
Spare the rod and spoil the child.
Câu này có nghĩa là “if a child is spared punishment, it will be spoilt.” (Nếu không trừng phạt một đứa trẻ thì nó sẽ hư).
Cũng trong phạm vi vấn đề should và would, có một câu hỏi thường làm cho các bạn học sinh của tôi lúng túng, không trả lời được, hoặc trả lời sai. Câu hỏi đó như sau:
Trong câu “I would like to talk with you” chẳng hạn, thì động từ like được dùng ở thì (tense) nào? Nhiều bạn nhanh nhẩu đáp ngay rằng đó là thì “Conditional”. Trả lời như vậy là sai, và sai ở hai điểm:
Một là trong Anh ngữ không có cái thì nào gọi là “Conditional” cả vì động từ Anh ngữ không có những hình thức biến đổi đặc biệt để dùng cho trường hợp “Conditional” như trong Pháp ngữ; hai là câu “I would like to talk with you” là mệnh đề chính ở trong một câu nói điều kiện mà mệnh đề phụ (tức là mệnh đề điều kiện) được hiểu ngầm: “I would like to talk with you if you had the time”, và như thế thì cái “conditional” là ở chữ “had’ chứ không phải ở chữ “would like.”
Vậy thì would like không phải là thì “conditional” của động từ like như kiểu je voudrais của Pháp, mà cũng không phải là một hình thức biến đổi đặc biệt nào khác của động từ like. Thế thì nó là gì?
Xin thưa đó là một sự phối hợp giữa hai động từ riêng biệt would và like. Động từ “like” ở đây được dùng ở vị biến cách (infinitive) của nó, đi đôi với “would” là một trợ động từ chỉ ý muốn (volition).
Nếu bàn rộng ra, ta thấy rằng trong Anh ngữ nếu các thì của động từ là những hình thức biến đổi của động từ đó để chỉ tương quan thời gian thì cũng có những sự phối hợp động từ (verb combinations) mà người ta dùng không phải để chỉ tương quan thời gian nhưng là để chỉ cái khía nhìn của ta đối với một hành động hay một trạng thái nào đó.
Nhiều thứ tiếng trên thế giới, như Pháp ngữ chẳng hạn, có những hình thức biến đổi đặc biệt của động từ để chỉ những khía nhìn khác nhau đối với một hành động hay một trạng thái. Và những sự biến đổi hình thức của động từ như thế được gọi là “cách”, Pháp ngữ gọi là “Mode”, Anh ngữ gọi là “Mood.” Vì động từ trong Anh ngữ chỉ có ba cách là Indicative (dùng cho những câu thường và câu hỏi) Imperative (dùng cho những câu lệnh) và Subjunctive (cách này ngày nay người ta rất ít dùng đến trừ trong những câu có ý cầu chúc như God save the Queen! hay God bless you!
Vì động từ trong Anh ngữ có ít “cách” như vậy nên mỗi khi cần phải chỉ một khía nhìn đặc biệt nào đó về một hành động hay một trạng thái người ta phải dùng đến cách ghép động từ chính với một trợ động từ mà Anh ngữ gọi là Modal Auxiliaries hay Modal Verbs (Tính từ “modal” do danh từ “mood” mà ra). Sự phối hợp động từ này được gọi là “verb combination”.
Vậy thì would like trong thí dụ nêu ở trên là một sự phối hợp giữa động từ like và cái “modal verb” would chỉ ý muốn chứ hông phải là một thì đặc biệt nào của động từ like cả.
Cố nhiên, ngoài would ra còn có nhiều modal verb khác cho chúng ta sử dụng như should, must, may-might, can-could, ought, will, shall.
Sau đây là thí dụ về động từ may, một động từ mà ta dùng để chỉ một cái gì có thể (possible) hoặc có lẽ (probable) xảy ra
You may believe that I am wrong.
Perhaps you believe that I am wrong.
Trong câu trên tôi có một sự phối hợp giữa modal verb may và động từ believe để chỉ một sự có thể. Trong câu dưới thay vì dùng modal verb may tôi dùng dạng từ “perhaps” để nói lên cái ý “có thể” đó.
Như vậy, những cách đặt câu điều kiện mà chúng ta đã học trên đây chính là những cách phối hợp động từ để nói lên cái ý điều kiện vậy. Chúng ta sẽ còn gặp nhiều trường hợp phải phối hợp động từ khi bàn đến những cách khác nhau để phát biểu những ý niệm như yêu cầu, đòi hỏi, đề nghị, cấm đoán, hứa hẹn, hăm dọa, từ chối, hy vọng, cầu mong, dự định, so sánh…
'NÀY' và 'NỌ' Tài liệu học tiếng anh, Ngữ pháp tiếng anh
Các bài viết liên quan đến 'NÀY' và 'NỌ', Tài liệu học tiếng anh, Ngữ pháp tiếng anh
- 14/06/2024 Review: IELTS WRITING JOURNEY: From Basics To Band 6.0 & Elevate To Band 8.0 - thầy Bùi... 719
- 04/11/2013 Động từ 572
- 18/10/2013 Học tiếng Anh theo cách thú vị 2085
- 11/09/2013 Mười bước cải thiện ngữ pháp tiếng Anh của bạn 11104
- 13/09/2013 Cách tốt nhất để học ngữ pháp tiếng Anh 2707
- 16/09/2013 'NGẮN' và 'DÀI' 1471
- 16/09/2013 'MỘT' và 'NHIỀU' 935
- 16/09/2013 'THÌ' và 'THỜI' 857